Bé gái nhà em được 9 tuần, nặng 6kg. Sáng nay em có cho bé đi tiêm phòng vaccines 5 trong 1, sau khi tiêm về thì bé có dấu hiệu sốt. Bác sĩ cho em hỏi con em có bị sao không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Sốt sau tiêm phòng là 1 triệu chứng khá thường gặp, báo hiệu những phản ứng của cơ thể. Sau khi tiêm phòng 1 vài giờ hoặc 1 ngày, một số trẻ có thể bị sốt. 
Sốt thường xảy ra sau tiêm phòng một vài giờ hoặc 1 ngày, thường sốt nhẹ < 38,5 ºC nhưng cũng đôi khi sốt cao > 39ºC, có thể kèm theo tình trạng quấy khóc. Thường sốt kéo dài trong khoảng 24 – 48h, ít khi kéo dài quá 48h.

Có 2 điểm quan trong khi trẻ sốt sau tiêm phòng đó là: chăm sóc trẻ khi sốt và theo dõi những dấu hiệu nguy hiểm.
a/Chăm sóc trẻ khi sốt
– Theo dõi sát thân nhiệt của trẻ bằng cách cặp nhiệt độ cho bé khoàng 4 giờ/lần khi sốt. 
– Cho trẻ nằm nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái.
– Chườm cho trẻ bằng khăn ấm ( tuyệt đối không dùng nước lạnh hay chườm đá). Chú ý 3 vị trí chườm chính: trán, nách, bẹn. Khi chườm cho trẻ cũng phải thực hiện tại phòng kín gió, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
– Trường hợp trẻ > 38,5 ºC mà chườm không hạ, có thể sử dụng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt nên sử dụng là  Paracetamol đường uống, liều lượng phụ thuộc cân nặng và tuổi của em bé, nên dùng theo chỉ định của bác sĩ đặc biệt với những trẻ nhỏ < 3 tháng tuổi như em bé của bạn.
– Trường hợp trẻ không uống được có thể dùng Paracetamol đường hậu môn tuy nhiên không khuyến cáo sử dụng đường hậu môn nhiều lần. Dù sử dụng đường uống hay đường đặt hâu môn thì thuốc đều ngấm vào máu và đều có tác dụng, do đó đều được tính là 1 lần dùng thuốc hạ sốt Paracetamol. Khoảng cách tối thiểu cho 1 lần dùng hạ sốt là khoảng 4 giờ. Nghiêm cấm tuyệt đối trường hợp dùng hạ sốt đường uống không hạ lại dùng thêm đường đặt hậu môn khi thời gian chưa đủ, hoặc uống 1 lần chưa hạ lại uống thêm lần nữa khi thời gian chưa đủ 4 giờ.
– Tuyệt đối không lạm dụng thuốc hạ sốt, nếu cho trẻ dùng thuốc hạ sốt mà nhiệt độ không giảm thì phải tích cực chườm cho em bé, sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Dùng thuốc hạ sốt với liều cao, khoảng cách gần không đúng với chỉ định có thể gây suy gan cấp rất nguy hiểm.
– Bù nước và điện giải: Khi sốt sẽ gây ra tình trạng mất nước, rốt loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, nên chú ý bù nước và điện giải cho trẻ. Nếu trẻ lớn có thể pha dung dịch Oresol theo đúng tỉ lệ và cho uống. Trường hợp em bé nhà bạn 9 tuần tuổi không bắt buộc phải uống Oresol mà chỉ cần bú mẹ nhiều hơn.
– Dinh dưỡng cho bé: Cần đảm bảo chế độ giàu dinh dưỡng, ăn lỏng và dễ tiêu. Em bé nhà bạn thì vẫn bú mẹ ( mẹ không phải kiêng khem gì cả) hoặc dùng sữa công thức nếu vẫn đang dùng.
– Vệ sinh: Vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ, tắm bằng nước ấm trong phòng kín, tránh gió lùa. Không nên kiêng tắm hay chỉ lau người cho trẻ.
b/Theo dõi trẻ:
Nếu trẻ có những biểu hiện sau cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất:
Sốt cao liên tục, đã áp dụng các biện pháp hạ sốt mà thân nhiệt không giảm.
Kích thích liên tục,khóc dai dẳng hơn ba tiếng đồng hồ.
Có những biểu hiện của co giật tay, chân, toàn thân.
Da xanh xao, nhợt nhạt, tím tái.
Nếu không có những dấu hiệu nguy hiểm, trẻ sốt nhẹ , bú tốt, không quấy khóc nhiều thì bạn có thể chăm sóc em bé ở nhà.
 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện