Hạ đường huyết là một hiện tượng sinh hóa và tình trạng một số yếu tố gây mất cân bằng giữa tốc độ glucose được giải phóng vào tuần hoàn và tốc độ tiêu thụ glucose làm cho lượng glucose tiêu thụ lớn hơn lượng glucose vào tuần hoàn. Để giúp người bệnh có cách xử trí nhanh, chính xác khi bị hạ đường huyết, các bác sỹ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có bài viết chia sẻ dưới đây:
-
Định nghĩa
Theo ADA-2010: HẠ ĐƯỜNG HUYẾT là tình trạng đường trong máu hạ thấp < 3,9mmol/l (<70mg/dl). Người bệnh bị HẠ ĐƯỜNG HUYẾT có triệu chứng lâm sàng kèm theo thường xảy ra khi đường huyết nằm trong khoảng 45-50mg/dl (2,75mmol/l). Đây là một cấp cứu gây tổn thương não không hồi phục.
-
Triệu chứng và chẩn đoán HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
– Biểu hiện lâm sàng: Dấu hiệu chung là mệt xuất hiện đột ngột không giải thích được, đau đầu, chóng mặt, mệt đuội.
Dấu hiệu thần kinh thực vật: Vã mồ hôi, da xanh, hồi hộp trống ngực, run tay, cảm giác lạnh, tăng tiết nước bọt.
Dấu hiệu tim mạch: Nhịp nhanh trên thất, có thể gặp nhịp nhanh thất, tăng huyết áp tâm thu, đau ngực (ít gặp).
Dấu hiệu tiêu hóa: Cảm giác đói, đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, đi ngoài có thể gặp.
Dấu hiệu thần kinh: Co giật kiểu động kinh khu trú hoặc toàn thể, dấu hiệu thần kinh khu trú: Liệt 1-2 người, tổn thương thần kinh sọ, rối loạn cảm giác vận động, hội chứng tiểu não, nhìn đôi.
Dấu hiệu tâm thần: Là biểu hiện nặng của giảm đường huyết. Kích động hung dữ, nói cười vô cớ, rối loạn nhân cách, ảo giác, ảo khứu.
Hôm mê HẠ ĐƯỜNG HUYẾT là giai đoạn cuối của giảm đường huyết, xuất hiện ngay lập tức, đôi khi không có tiền triệu hoặc nối tiếp các triệu chứng có trước. Hôn mê yên lặng, hôn mê sâu có thể gặp hội chứng bó tháp một hoặc hai bên: Babinski (+), phản xạ gân xương nhanh nhậy, trong một số trường hợp có thể mất phản xạ gân xương. Tăng trương lực cơ và co giật khu trú hoặc toàn thể có thể gặp. Không có rối loạn nhịp thở.
– Các thể lâm sàng HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
+ Hạ đường huyết tiềm tàng (không có triệu chứng báo trước):
Hay gặp ở BN áp dụng phương pháp trị liệu tích cực. HẠ ĐƯỜNG HUYẾT không triệu chứng xảy ra nhiều lần sẽ gây tai hại. Làm giảm cơ chế hoạt động của hệ thống hormon ngăn chặn HẠ ĐƯỜNG HUYẾT. Hạ thấp ngưỡng canh báo về nguy cơ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT của cơ thể. Chẩn đoán xác định HẠ ĐƯỜNG HUYẾT tiềm tàng khi ĐH <3,1 mmol/l (55mg/dl).
+ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT tiếp theo tăng đường huyết – hiệu ứng Somogyi.
+ Hiện tượng “bình minh” và “trước bình minh”: Là hiện tượng tăng đường huyết thứ phát sau khi HẠ ĐƯỜNG HUYẾT ban đêm. Chỉ cần tăng insulin vừa phải cũng có thể gây HẠ ĐƯỜNG HUYẾT do cơ chế điều hòa bị suy giảm insulin cần thiết để duy trì đường huyết hằng định trước bình minh ít hơn khoảng 20-30% so với bình minh. Insulin chậm dùng trước bữa tối thường gây tăng insulin máu khoảng 1 đến 3 giờ sáng (giai đoạn trước bình minh) và sẽ thấp hơn trước bữa sáng. Khi dùng liều cao hơn sẽ gây tăng insulin vào khoảng 1 đến 3 giờ làm tăng nguy cơ HẠ ĐƯỜNG HUYẾT ban đêm. Chẩn đoán xác định: Xét nghiệm ĐH khi đi ngủ vào thời điểm 2-3 giờ sáng.
– Cận lâm sàng: Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng thường hay tương xứng nhau.
+ Xét nghiệm sinh hoạt đường huyết < 3,9mmol/l (70mg/dl).
+ Xét nghiệm Kali máu có thể giảm.
+ Điện tim: Thời gian QTc có thể kéo dài, có thể xuất hiện song U, sóng T dẹt, ST chênh xuống.
– Chẩn đoán xác định HẠ ĐƯỜNG HUYẾT theo tiêu chuẩn ADA – 2010
Đường huyết < 3,9mmol/l.
-
Xử trí cấp cứu HẠ ĐƯỜNG HUYẾT
HẠ ĐƯỜNG HUYẾT là một cấp cứu nội khoa nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, cần phải điều trị ngay khi có triệu chứng của HẠ ĐƯỜNG HUYẾT.
– Hạ đường huyết nhẹ: Cải thiện triệu chứng khi dùng các chất có chứa đường (glucose). Trong trường hợp không có rối loạn ý thức và rối loạn tiêu hóa: Cho bệnh nhân ăn là đủ.
Cần tối thiểu 15g đường (3 miếng đường nhỏ, mỗi miếng chứa 5g đường. Hoặc 100 – 150ml hoa quả (100g đường trong 1 lít). Hoặc 100ml nước ngọt (Cocacola) = 110g đường/lít.
– Đối với trường hợp HẠ ĐƯỜNG HUYẾT nặng:
+ Tiêm tĩnh mạch glucose 20-30%, có thể tiêm nhắc lại nếu bệnh nhân chưa tỉnh. Sau đó duy trì đường huyết >5,5 mmol/l bằng truyền glucose.
+ Nếu không lấy được tĩnh mạch có thể tiêm bắp 1 ống Glucagon 1mg. Tiêm nhắc lại sau 10 phút nếu không có kết quả.
– Trong trường hợp HẠ ĐƯỜNG HUYẾT kéo dài chống tái phát bằng truyền: Glucose 10% 1000ml trong 4 giờ, sau đó 1000ml trong 12 giờ.
– Trường hợp bệnh nhân tỉnh có thể duy trì qua đường uống.
– Cần theo dõi chặt chẽ đường huyết (4 giờ /lần), không để đường huyết vượt quá 11 mmol/l.
– Trường hợp hôn mê kéo dài (do điều trị quá muộn hay đã bị biến chứng phù nào hoặc biến chứng đột quy). Duy trì đường huyết 2g/l bằng glucose 10% và chống phù não bằng hydrocortisone 100mg 4 giờ/lần hoặc bằng Manitol.
– Xử lý nguyên nhân:
+ Bệnh nhân sử dụng insulin: Hướng dẫn lại phương pháp lấy thuốc bảo quản và cách tiêm, lấy đúng liều lượng cách dự phòng và xử lý khi có HẠ ĐƯỜNG HUYẾT.
+ Bệnh nhân do dùng Sulfamid điều trị ĐTĐ: Đặc biệt người già phải truyền glucose 10% liên tục 24 giờ và để theo dõi.
+ Bệnh nhân có rối loạn ý thức nặng phải vào viện để theo dõi.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Nguồn tham khảo: Type 2 Diabetes