Rò động tĩnh mạch màng cứng – Phát hiện trên 1 người bệnh có triệu chứng đau mắt

IMG 8969 1 1

Rò động tĩnh mạch trên người bệnh có triệu chứng đau mắt

Bệnh nhân N.T.N (70 tuổi – Thanh Ba Phú Thọ) đã tới Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ thăm khám. Cụ thể, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau, đỏ mắt được 4 tháng. Sau khi mắt sưng đỏ nhiều hơn, kèm đau đầu, bệnh nhân có đi khám mắt nhiều nơi, sử dụng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Ngày 01/7/2022, thông qua các kênh truyền thông, bệnh nhân cùng gia đình đến Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được các bác sĩ thăm khám và điều trị.

Người bệnh rò động tĩnh mạch nhập viện với tình trạng đau mắt lâu ngày
Người bệnh rò động tĩnh mạch nhập viện với tình trạng đau mắt lâu ngày

Tại đây, bệnh nhân được chỉ định chụp cắt lớp vi tính mạch máu não (CT Angiography ) cho kết quả bình thường. Bằng kinh nghiệm và thăm khám lâm sàng, nghi ngờ có dị dạng mạch máu, các bác sĩ đã tiến hành kỹ thuật cao cấp hơn – Chụp động mạch não số hóa xóa nền (DSA – Digital Subtraction Angiography) và cho kết quả: Hình ảnh dAVF có nguồn từ nhánh động mạch màng cứng xuất phát từ động mạch cảnh ngoài, đổ trực tiếp vào xoang tĩnh mạch mắt trái, tĩnh mạch mắt trái có ứ trệ giảm lưu thông. Bệnh nhân đã được hội chẩn và liên hệ với Bệnh viện 108 để tiến hành can thiệp mạch.

Hình ảnh vị trí rò động mạch màng cứng vào tĩnh mạch mắt
Hình ảnh vị trí rò động mạch màng cứng vào tĩnh mạch mắt

 

Thông thường, máu sẽ chảy từ động mạch sang hệ thống mao mạch sau đó mới trở về tĩnh mạch. Tuy nhiên khi rò động tĩnh mạch, máu sẽ chảy trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch, mà không qua hệ thống mao mạch. Điều đó sẽ khiến việc giảm cung cấp Oxy, máu cho mô và cản trở sự lưu thông của tĩnh mạch.

dAVF: Rò động tĩnh mạch màng cứng (Dural Arteriovenous Fistula)

Là một trường hợp của rò động tĩnh mạch, khi có các luồng thông trực tiếp động mạch vào xoang tĩnh mạch màng cứng.

Triệu chứng của rò động tĩnh mạch màng cứng rất đa dạng phụ thuộc vào vị trí rò và áp lực đường rò:

  • Đau đầu hay gặp và thường ở vị trí 1 bên
  • Động kinh
  • Lồi mắt, đỏ mắt nếu rò vào tĩnh mạch xoang hang
  • Người bệnh có thể có các triệu chứng của đột quỵ chảy máu não
  • Liệt thần kinh sọ khu trú như lác mắt, liệt mặt
  • Có thể nghe thấy tiếng thổi hoặc ù một bên tai
  • Thậm chí nhiều người bệnh khám chuyên khoa tâm thần vì triệu chứng kéo dài không tìm được nguyên nhân…

Với những biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải, rò động tĩnh mạch màng cứng là một căn bệnh rất nguy hiểm. Mọi người nên thăm khám ngay khi có các dấu hiệu hoặc khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm để kịp thời phát hiện bệnh.

Tại Trung tâm Đột quỵ Phú Thọ, kỹ thuật DSA được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên sâu can thiệp mạch cho hình ảnh rõ nét, chính xác sẽ hỗ trợ bác sĩ lâm sàng nhanh chóng đưa ra chẩn đoán xác định nên người bệnh có thể an tâm khi thăm khám và tầm soát bệnh.

Bác sĩ Chuyên khoa I, Nguyễn Anh Minh – Trung tâm Đột quỵ

Xem chi tiết

Kỹ thuật DSA – Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý thần kinh, mạch máu

Kíp can thiệp DSA của Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền (Digital Subtraction Angiography viết tắt là DSA) là phương pháp chẩn đoán hình ảnh kết hợp giữa việc chụp X-quang và xử lý hình ảnh số để chụp hệ thống mạch máu trong cơ thể và dùng những kỹ thuật xâm lấn tối thiểu can thiệp … Xem chi tiết