Phục hồi chức năng sau chấn thương – 1 số điều cần biết

27092022 phcn 1 1

Phục hồi chức năng sau chấn thương đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục khả năng vận động và sinh hoạt bình thường.

Phục hồi chức năng sau chấn thương là gì?

Theo WHO, Phục hồi chức năng là tập hợp các can thiệp được thiết kế để tối ưu hóa các chức năng và giảm thiểu tình trạng tàn tật ở những cá nhân với các trạng thái sức khỏe khác nhau trong sự tương tác với môi trường sống.

Phục hồi chức năng sau chấn thương là quá trình can thiệp và tập luyện nhằm giảm thiểu thiệt hại của chấn thương, thúc đẩy phục hồi và tối đa hóa năng lực chức năng, thể lực và hiệu suất cho người bệnh sau chấn thương.

Những lợi ích của phục hồi chức năng sau chấn thương

– Duy trì, cải thiện hiệu quả cuộc phẫu thuật: Đối với những chấn thương cần phẫu thuật, phục hồi chức năng giúp duy trì và nâng cao hiệu quả của phẫu thuật.

– Rút ngắn thời gian điều trị, chi phí nằm viện: Phục hồi chức năng sau chấn thương giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi chức năng vận động, người bệnh có thể ra viện sớm giúp tiết kiệm nhiều chi phí nằm viện điều trị khác.

– Hạn chế tái phát: Những chấn thương nặng nếu không được phục hồi chức năng kịp thời và đúng cách rất dễ tái phát và trở nặng hơn.

– Phòng các thuơng tật thứ cấp: Thương tật thứ cấp là các khiếm khuyết xảy ra do chấn thương kéo dài, nằm im bất động trong thời gian dài hoặc không được chăm sóc đúng cách, có thể kể đến như: cứng khớp, teo cơ, loãng xương, viêm loét do tì đè…

Nguyên tắc phục hồi chức năng sau chấn thương

– Tiến hành phục hồi chức năng sớm:

Phục hồi chức năng sau chấn thương cần được tiến hành sớm ngay từ những giờ đầu sau phẫu thuật. Đối với người bệnh mổ có chuẩn bị, cần hướng dẫn người bệnh ngay từ giai đoạn trước mổ, trong thời gian chuẩn bị cho phẫu thuật, để sau mổ người bệnh có thể thực hiện được sớm các kỹ thuật phục hồi chức năng, đạt được hiệu quả điều trị cao.

– Lấy người bệnh làm trung tâm:

Cần sự tham gia của mọi đối tượng trong xã hội như bác sĩ, người nhà, kĩ thuật viên, điều dưỡng, nhân viên xã hội, chuyên gia dinh dưỡng với người bệnh làm trung tâm.

Phục hồi chức năng sau chấn thương

– Can thiệp đa phương thức:

Phục hồi chức năng sau chấn thương được tiến hành một cách toàn diện, đa phương thức nhằm tăng cường hiệu quả lẫn nhau.

– Phối hợp đa ngành:

Phục hồi chức năng gắn liền với các chuyên ngành khác giúp cho người bệnh đạt được hiệu quả điều trị cao nhất. Quá trình phục hồi chức năng sau chấn thương có liên quan trực tiếp với chuyên ngành chấn thương – cột sống – tạo hình – cơ xương khớp – nội khoa…

– Cá thể hóa phương pháp điều trị:

Mỗi người bệnh có các đặc điểm khác nhau về bệnh lý, đặc điểm nhân sinh, thể trạng, đặc điểm nghề nghiệp, môi trường khác nhau. Can thiệp toàn diện cần dựa trên khung bệnh án ICF (International Classification of Functioning, Disability and Health).

Các hình thức can thiệp phục hồi chức năng

– Vận động trị liệu:

Là các biện pháp can thiệp giúp người bệnh khôi phục chức năng vận động hệ cơ xương khớp thông qua các bài tập vận động, nắn chỉnh, thể dục và các kỹ thuật kết hợp máy móc chuyên dụng.

– Hoạt động trị liệu:

Là các biện pháp nhằm hỗ trợ và giúp người bệnh phục hồi khả năng độc lập trong sinh hoạt, khả năng nhận thức, tìm được công việc thích hợp, tham gia tích cực vào các hoạt động học tập – làm việc – giải trí – thể thao, hòa nhập cộng đồng.

– Vật lý trị liệu:

Là các biện pháp sử dụng tác nhân vật lý (siêu âm, sóng ngắn, điện xung, xung kích, hồng ngoại, parafin, kéo giãn,…) có tác dụng giảm đau, chống sưng, kích thích tái tạo cơ, thúc đẩy khả năng tự phục hồi và phòng ngừa thương tật thứ cấp dựa vào quá trình sinh hóa của cơ thể.

– Dụng cụ chỉnh hình:

+ Dụng cụ trợ giúp sinh hoạt – di chuyển

+ Dụng cụ chỉnh hình, nắn chỉnh tay chân, áo nẹp chỉnh hình, áo nẹp cố định

+ Dụng cụ thay thế chân tay giả (thẩm mỹ – chức năng)

+ Dụng cụ tập chức năng.

– Niệu – ruột – sinh dục:

+ Rối loạn tiểu tiện (Tiểu gấp, mất tự chủ, rỉ tiểu, tiểu khó, bí tiểu…)

+ Rối loạn đại tiện (Táo bón, mất tự chủ, đại tràng kích thích,…)

+ Rối loạn chức năng sinh dục

– Can thiệp khác:

+ Thăm dò chức năng bàng quang bằng máy niệu động học, đo dòng niệu đồ.

+ Thăm dò chức năng thần kinh cơ bằng điện cơ

+ Điều trị co cứng cơ ở BN tổn thương tủy sống, tổn thương não bằng Phenol và Botulinum Toxin nhóm A vào điểm vận động.

+ Tiêm Botulinum Toxin A vào cơ thành bàng quang qua máy nội soi điều trị bàng quang tăng hoạt.

Tại Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng đã tiếp nhận rất nhiều người bệnh sau chấn thương đến điều trị phục hồi chức năng muộn và gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe trong đó phổ biến nhất là tình trạng teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động, sinh hoạt.

Bác sĩ khuyến cáo quá trình tập phục hồi chức năng có thể bắt đầu từ rất sớm, ngay ngày đầu sau chấn thương hoặc ngày đầu sau phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ,  để càng lâu thời gian điều trị càng kéo dài và hiệu quả càng thấp đi. Do đó, người bệnh nên được điều trị phục hồi chức năng sớm và lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1800 888 989 (miễn phí)

Theo dõi tin tức y học tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật