Hiệu quả phục hồi chức năng trên 1 người bệnh sau chấn thương gãy xương đùi

Vì sao phải phục hồi chức năng sau chấn thương?

Chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt khá phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Với những chấn thương phải bó bột, kết hợp xương bằng nẹp-đinh trong một thời gian dài, người bệnh có thể xuất hiện tình trạng teo cơ, cứng khớp, vận động – sinh hoạt khó khăn. Để hạn chế tình trạng này và lấy lại chức năng sinh hoạt bình thường, người bệnh cần được can thiệp phục hồi chức năng càng sớm càng tốt theo chỉ định của bác sĩ.

Nhân một trường hợp người bệnh tai nạn gãy xương đùi

Người bệnh Nguyễn Văn V., 29 tuổi ở Vĩnh Phúc bị tai nạn ngã cầu thang dẫn tới gãy đầu trên xương đùi phải từ đầu tháng 5/2022. Người bệnh đã điều trị kết hợp xương bằng nẹp vít và phải bất động chân một tháng. Sau thời gian bất động, người bệnh đau đùi và khớp gối chân phải, teo cơ chân phải, không thể gấp đầu gối và phải đi lại bằng nạng.

phục hồi chức năng

Siêu âm cho người bệnh

ThS.BS. Lâm Thùy Mai – Phụ trách Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng chia sẻ: “Người bệnh đến với Trung tâm vào ngày 27/6/2022 trong tình trạng đau mỏi, nhức nhối chân phải, teo cơ đùi phải, hạn chế vận động chân phải đặc biệt là hạn chế tầm vận động khớp gối phải sau gãy xương đùi phải đã phẫu thuật kết hợp xương.

Chúng tôi đã thăm khám và chỉ định điều trị kết hợp nhiều phương pháp: xoa bóp bấm huyệt, vận động trị liệu, điện xung, điện châm, siêu âm, sóng ngắn, với mục tiêu giảm đau, kích thích, phục hồi cơ bị teo và phục hồi tầm vận động khớp gối cho người bệnh”.

phục hồi chức năng

Kỹ thuật điện châm

Hiệu quả phục hồi chức năng trên người bệnh

Sau hơn một tháng kiên trì điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, đến nay tình trạng của người bệnh V. đã có tiến triển rõ rệt. Hiện tại người bệnh đã hết đau, tầm vận động khớp gối về bình thường, người bệnh đã có thể đi lại không cần dùng đến nạng.

phục hồi chức năng

Khớp gối của người bệnh đã gập lại bình thường

Được biết, người bệnh trên là một trong số rất nhiều người bệnh bị hạn chế vận động sau tai nạn đã được phục hồi chức năng thành công tại Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng. Với mỗi người bệnh, các bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị kết hợp các kỹ thuật sao cho phù hợp nhất.

Khuyến cáo

Theo ThS.BS. Lâm Thùy Mai, những tổn thương như gãy xương, tổn thương khớp, dây chằng, tổn thương phần mềm rộng lớn do chấn thương đều có thể gây ra những biến chứng như teo cơ, chứng khớp, hạn chế vận động sinh hoạt thâm chí là loét tỳ đè, tắc mạch chi, viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu…

Do những tổn thương này thường gây đau đớn, gây tâm lý sợ hãi khiến người bệnh không dám vận động; hoặc do quá trình điều trị phải bất động dẫn đến  hệ cơ quan vận động, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết không được hoạt động như bình thường. Tất cả các vấn đề này đều có thể phòng tránh và hạn chế hậu quả nếu được phục hồi chức năng sớm và đúng cách.

Tại Trung tâm Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng đã tiếp nhận rất nhiều người bệnh sau chấn thương đến điều trị phục hồi chức năng muộn cũng gặp phải những vấn đề nêu trên trong đó phổ biến nhất là tình trạng teo cơ, cứng khớp, hạn chế vận động, sinh hoạt.

Quá trình tập phục hồi chức năng có thể bắt đầu từ rất sớm, thông thường ngày thứ 2 sau chấn thương, sau phẫu thuật (tùy tình trạng cụ thể của người bệnh), để càng lâu thời gian điều trị càng kéo dài và hiệu quả càng thấp đi. Do đó, bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên đi phục hồi chức năng sớm và lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

ThS.BS. Lâm Thùy Mai

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1800 888 989 (miễn phí)

Theo dõi tin tức y học tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện