Chấn thương thể thao và hướng xử trí ban đầu

Chấn thương thể thao là gì?

Chấn thương thể thao là các loại chấn thương, tổn thương gặp phải trong quá trình thi đấu thể thao hoặc luyện tập. Các môn thể thao thường đòi hỏi người chơi phải vận động nhanh, mạnh, đột ngột, có những động tác kỹ thuật khó ví dụ như bóng chuyền, boxing…. Đồng thời tranh chấp trong khi chơi khiến người chơi đối mặt với những va chạm, tác động do đó không thể tránh khỏi sự hoạt động quá mức.

Chấn thương thể thao thường gặp ở những vận động viên thể thao, người tập thể hình, những người chơi thể thao không đúng tư thế, động tác…Tùy mức độ tổn thương, vị trí chấn thương và loại chấn thương mà có phương pháp điều trị khác nhau dựa trên đánh giá của các bác sĩ.

Chấn thương thể thao và hướng xử trí ban đầu
Chấn thương thể thao và hướng xử trí ban đầu

Các hình thái chấn thương thể thao hay gặp

Trong chấn thương thể thao có nhiều hình thái tổn thương khác nhau nhưng hình thái tổn thương hay gặp nhất bao gồm:

Căng cơ: Cơ bị kéo căng quá mức dẫn đến rách một nhóm hoặc toàn bộ các sợi cơ hoặc gân của một cơ. Đây là tổn thương hay gặp nhất trong chơi thể thao bởi chúng ta phải sử dụng rất nhiều cơ và gân trong khi luyện tập và chơi thể thao. Đa số các tổn thương cơ này ở thể nhẹ và lành tự nhiên bằng cách nghỉ ngơi. Để giảm nguy cơ căng cơ cách tốt nhất là khởi động làm nóng cơ và tập kéo giãn gân cơ trước khi luyện tập và chơi thể thao.

Gãy xương: Xương là bộ khung cho các cơ, gân và dây chằng bám vào để tạo ra hoạt động của cơ thể. Gãy xương thường xảy ra do các va chạm trực tiếp hoặc do lực gián tiếp gây bẻ cong hoặc vặn xoắn xương đột ngột. Các xương ở cẳng tay, cẳng chân và bàn chân là hay gãy nhất là. Tổn thương gãy xương là một loại tổn thương nặng, cần có phương pháp điều trị riêng với từng vị trí gãy và tùy mức độ gãy xương

Trật khớp: Khớp là chỗ nối giữa các xương, giúp các xương chuyển động lên nhau từ đó cơ thể có thể hoạt động một cách linh hoạt. Khi lực tác động mạnh vào vùng khớp, gây đứt các dây chằng chính, rách bao khớp có thể khiến các mặt khớp bị trật khỏi nhau (trật khớp). Trật khớp hay gặp nhất là ở khớp vai, khớp cùng vai – đòn, khớp gối, khớp khuỷu. Trật khớp ở người chơi thể thao thường cần phải phẫu thuật làm vững lại khớp để có thể nhanh chóng phục hồi, lấy lại phong độ, giảm thiểu khả năng chấn thương lại.

Cách xử trí ban đầu đối với chấn thương thể thao.

Tùy thuộc vào loại hình thái tổn thương, vị trí tổn thương, mức độ tổn thương mà sẽ có những phương pháp xử trí ban đầu khác nhau đối với từng bệnh nhân.

Một số phương pháp phổ biến đối với những tổn thương phổ biến thường gặp trong chấn thương thể thao:

Chườm đá giảm sưng nề, giảm đau trong chấn thương thể thao
Chườm đá giảm sưng nề, giảm đau trong chấn thương thể thao

Chườm đá: chườm đá là phương pháp hay được sử dụng để giảm sưng nề, giảm đau. Nếu bị chấn thương trong 2 ngày trở lại, chườm đá có thể giúp hạn chế sưng, hạn chế chảy máu trong mô của cơ thể đồng thời giảm bớt co cứng cơ và đau. Một số lưu ý khi chườm đá trong chấn thương thể thao

 – Đá không được để tiếp xúc trực tiếp với da. Để tránh việc tiếp xúc trực tiếp có thể sử dụng khăn tắm hoặc vật cản mỏng.

– Di chuyển túi đá chườm liên tục không để một chỗ quá lâu khi chườm

– Chườm nhiều lần trong ngày, không chườm trong một thời gian quá dài

– Dừng chườm ngay sau khi thấy có biểu hiện thay đổi màu sắc da

Sơ cứu gãy xương: đối với những trường hợp gãy xương sau chấn thương thể thao cần sơ cứu bệnh nhân nhanh chóng. Gãy xương cánh tay, cẳng tay là 2 trường hợp gãy xương hay xảy ra nhất

Xương cánh tay nằm giữa hai khớp là khớp vai và khớp khuỷu tay.

– Bước 1: Phần cánh tay bị gãy cần để sát thân người, cẳng tay vuông góc với cánh tay (tư thế co).

– Bước 2: Dùng 2 nẹp, 1 nẹp đặt phía trong từ hố nách tới quá khuỷu tay, 1 nẹp đặt phía ngoài từ bả vai đến quá khớp khuỷu.

– Bước 3: Buộc cố định nẹp bằng garo rộng bản ở hai vị trí phía trên và dưới ổ gãy.

– Bước 4: Dùng khăn tam giác đỡ cẳng tay trước ngực, vuông góc với cánh tay, bàn tay để ngửa và cao hơn khuỷu tay.

– Bước 5: Băng ép cánh tay vào thân mình bằng garo rộng bản, thắt nút phía trước nách bên không bị chấn thương.

  • Sơ cứu gãy xương cẳng tay

Xương cẳng tay được tính từ 2cm dưới nếp khuỷu tay đến 5cm trên nếp cổ tay.

Sơ cứu gãy xương cẳng tay thực hiện bằng cách:

– Bước 1: Cố định cẳng tay bị gãy vào sát thân người, lòng bàn tay ngửa cẳng tay vuông góc cánh tay.

– Bước 2: Dùng 2 nẹp, 1 nẹp đặt phía trong cẳng tay (từ lòng bàn tay đến nếp khuỷu tay), nẹp kia đặt phía ngoài cẳng tay (từ đầu các ngón đến quá khuỷu tay).

– Bước 3: Buộc cố định nẹp bàn tay, thân cẳng tay bằng garo (trên, dưới ổ gãy). Đỡ cẳng tay treo trước ngực bằng khăn tam giác.

Người bệnh điều trị chấn thương thể thao tại Bệnh viện
Người bệnh điều trị chấn thương thể thao tại Bệnh viện

Áp dụng các phương pháp tiến bộ trong điều trị chấn thương thể thao

Hiện nay với đội ngũ cán bộ trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, khoa chấn thương II – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thành ng nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến.

Ngoài việc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, hiện đại; hiện nay Khoa Chấn thương II và Bệnh viện cũng rất chú trọng đến việc cung cấp chất lượng phục vụ cho người bệnh: Cải thiện chất lượng phòng ở, nâng cao chất lượng bữa ăn, chăm sóc toàn diện cho người bệnh…

Để biết thêm thông tin chi tiết vui lòng liên hệ

Tổng đài chăm sóc khách hàng

Tel: 1800.888.989

ĐD. Nguyễn Quốc Khánh – Khoa Chấn thương II

Nguồn tham khảo: Sports injury

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện