Vừa qua, Khoa Bệnh nhiệt đới- Bệnh viện Đa khoa Tỉnh Phú Thọ tiếp nhận người bệnh Vũ Thị L 70 tuổi, Địa chỉ: Tiên Cát – Việt Trì- Phú Thọ. Cách ngày vào viện 1 tháng, người bệnh bị chuột cắn vào mu chân, sau khi bị cắn người bệnh không xử trí vết thương. 5 ngày trước khi vào viện, người bệnh bị sốt cao, sưng đau nhức mu chân phải, đi lại hạn chế. Người bệnh đến khám với triệu chứng sốt cao, sưng tấy lan tỏa toàn bộ mu chân lên cổ chân, tại trung tâm vết cắn đang có dấu hiệu hoại tử ướt (có hình ảnh tổn thương). Người bệnh được chỉ định nhập viện điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, qua hội chẩn chuyên môn người bệnh được chẩn đoán: Viêm mô mềm/Bệnh Sodoku do chuột cắn; người bệnh được điều trị đặc hiệu với kháng sinh Doxycyclin 100 mg x 4 viên / ngày, giảm phù nề, giảm đau. Sau 10 ngày điều trị người bệnh khỏi hoàn toàn và được xuất viện.
Bệnh sốt do bị chuột cắn là một bệnh khá hiếm gặp, được biết đến bởi tính chất đặc trưng theo từng vùng khác nhau trên thế giới. Phần lớn người bệnh có biểu hiện các triệu chứng mức độ nhẹ và đáp ứng tốt với các thuốc kháng sinh thông thường, nhưng nó có thể dẫn đến những biến chứng nặng với tỷ lệ tử vong khoảng 13% nếu như không được điều trị.
Nhiều trường hợp người bệnh không rõ về tiền sử bị chuột cắn và có các biểu hiện triệu chứng như: sốt, nổi ban, viêm khớp thường dễ bị nhầm với các bệnh khác. Tiêu chuẩn về dịch tễ học là rất quan trọng, đồng thời với các dấu hiệu lâm sàng giúp bác sĩ phát hiện ra bệnh và đưa ra phác đồ điều trị hợp lý, giúp bệnh tiến triển tốt và tránh những trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.
Bệnh sốt do chuột cắn là bệnh do động vật truyền sang người, thông qua các vết cắn, vết cào của các động vật thuộc bộ gặm nhấm, đặc biệt là chuột hoặc các con vật nuôi trong nhà (chó, mèo vv…). Dựa theo căn nguyên và các biểu hiện lâm sàng chúng ta có thể phân biệt:
+ Bệnh Sodoku, được mô tả bởi tác giả người Nhật Bản, gây nên bởi Spirillum minus.
+ Bệnh sốt Haverhill được mô tả bởi tác giả người Mỹ, gây nên bởi Streptobacillus moniliformis.
Bệnh Sodoku
Bệnh Sodoku được ghép 2 từ tiếng Nhật, so = chuột, doku = nhiễm độc. Người ta phân lập ra xoắn khuẩn từ máu của người bệnh và đặt tên là Spirillum minus vào năm 1924. Xoắn khuẩn Gram âm ngắn với 2 đến 2 vòng xoắn và không mọc được ở môi trường nuôi cấy nhân tạo.
-
Dịch tễ
Spirillum minus thường gây bệnh sốt do chuột cắn ở châu Á, một vài ca bệnh rải rác được báo cáo ở châu Úc, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ. S.minus được tìm thấy ở cơ lưỡi của các loài chuột, chó và mèo hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh được lây một cách tình cờ trực tiếp qua các vết cắn hoặc vết cào, hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, hoặc ăn các thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh. 25% số chuột được xét nghiệm có mang S.minus.
-
Biểu hiện lâm sàng
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh Sodoku thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao (390C – 400C), ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ, xen kẽ là thời kỳ không sốt là những biểu hiện thường thấy ở các người bệnh bị chuột cắn gây ra bởi Spirillum minus. Sự tái phát cơn sốt có thể xuất hiện vài lần trong vòng từ 1 đến 3 tháng. Các dấu hiệu ngoài da như các ban sẩn xuất huyết, có xu hướng dính liền với nhau, thường tập trung ở da đầu, mặt và nửa thân trên. Tại chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng phần lớn các trường hợp xuất hiện ban xuất huyết hoại tử tại chỗ và có phản ứng của hạch khu vực. Trong quá trình bị bệnh, người bệnh có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.
Trong những trường hợp nặng, người bệnh có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Biến chứng có thể xảy ra như: viêm nội tâm mạc, viêm màng não, nhồi máu cơ tim, viêm gan, viêm màng phổi, viêm mào tinh hoàn, thiếu máu nặng. Nếu người bệnh không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.
-
Biến chứng bệnh sốt chuột cắn
Nhiễm khuẩn huyết là biến chứng phổ biến nhất. Các biến chứng nghiêm trọng khác gồm có viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, áp xe khu trú, viêm khớp nhiễm trùng, viêm xương khớp mạn.
Viêm nội tâm mạc là biến chứng được mô tả nhiều. Các cá nhân thường có tiền sử bệnh van tim và các triệu chứng tương tự như viêm nội tâm mạc do các nguyên nhân khác, bao gồm sự hiện diện của thiếu máu, hạch Osler và gan lách to. Trong một loạt trường hợp, tỷ lệ tử vong liên quan đến viêm nội tâm mạc do S. moniliformis là 53%.
Xét nghiệm máu: Số lượng bạch cầu tăng vừa phải và tốc độ lắng máu tăng ở một số người bệnh.
Tràn dịch khớp: Cấy dịch khớp phát hiện được vi khuẩn; lượng dịch khác nhau giữa các khớp. Nhiễm khuẩn huyết là biến chứng phổ biến nhất
-
Điều trị bệnh sốt chuột cắn .
Nguyên tắc: Chăm sóc vết thương tại chỗ bị chuột cắn, cũng như sử dụng thuốc kháng sinh thích hợp cho những người có triệu chứng lâm sàng.
- Xử trí vết cắn của động vật:
Tỉ lệ mắc bệnh hơn 25% số người bệnh không được điều trị. Việc điều trị bệnh sốt chuột cắn kết hợp với việc chăm sóc vết cắn của chuột. Việc chăm sóc vết thương bao gồm rửa sạch vết thương và tiêm phòng uốn ván. Chuột và các động vật thuộc họ gặm nhấm không bị nhiễm virus dại và chưa có báo cáo về việc lây truyền virus dại cho người từ nhóm động vật này.
- Điều trị bằng kháng sinh
- Điển hình là Penicillin G tiêm tĩnh mạch với liều 200.000 đơn vị mỗi 4 giờ hoặc Ceftriaxone 1 gram tiêm tĩnh mạch mỗi ngày. Một khi người bệnh cải thiện về mặt lâm sàng, có thể chuyển Thuốc tiêm tĩnh mạch sang Penicillin V 500Mg bốn lần một ngày hoặc Ampicillin 500 mg bốn lần một ngày hoặc Amoxicillin 500 mg ba lần một ngày. Tổng thời gian dùng kháng sinh là 2 tuần. Ở những người bệnh dị ứng với Penicillin, có thể thay thế Doxycycline 100 mg x 2 lần / ngày, tiêm tĩnh mạch hoặc uống.
- Theo dõi
Ở người bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng, đáp ứng điều trị phải được đánh giá cẩn thận và điều trị tích cực hơn (ví dụ, dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch cao hơn hoặc kéo dài) nếu người bệnh không có dấu hiệu lâm sàng cải thiện.
Biến chứng do chuột cắn là rất hiếm. Nhưng nếu có là viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, viêm phổi, áp xe khu trú, nhiễm khuẩn huyết, viêm khớp do sinh mủ, suy đa tạng. Mặc dù tử vong đến 50% , nhưng phần lớn trong số này xảy ra khi điều trị kháng sinh không hiệu quả .
Thuốc dùng cho người bệnh bị biến chứng nghiêm viêm nội tâm mạc hay đối với người bệnh có liên quan đến vân giả, nên cân nhắc sử dụng penicillin liều cao hơn và kết hợp aminoglycoside, tương tự như điều trị viêm nội tâm mạc do liên cầu khuẩn khác .).
Ở cả người lớn và trẻ em bị dị ứng với penicillin và cephalosporin, có thể điều trị bằng doxycyclin có thể được thực hiện với liều được mô tả ở trên.
-
Phòng ngừa bệnh sốt chuột cắn
– Do bệnh được lây trực tiếp qua các vết cắn hoặc vết cào, hoặc gián tiếp thông qua tiếp xúc, hoặc ăn các thức ăn có lẫn nước tiểu của chuột chứa mầm bệnh do vậy khuyến cáo người dân tăng cường bác biện pháp diệt chuột, vệ sinh khu nhà ở, khu dân cư sạch, thoáng nhằm loại bỏ nơi trú ẩn của chuột, không nên nuôi chuột, không ăn các thức ăn, đồ uống nghi ngờ có sự tiếp xúc của chuột.
– Khi bị chuột cắn cần đến khám, tư vấn của bác sỹ để xử lý vết cắn đúng và được kê đơn thuốc điều trị ban đầu.
BS.CKI Nguyễn Thị Thanh Lý – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới