Ứng dụng của điện não đồ kéo dài trong lâm sàng

BS. Tạ Văn Hải 

Trung tâm Đột quỵ

I. Khái niệm

Điện não đồ là ghi lại các hoạt động sinh học của tế bào não riêng biệt hay một tập hợp tế bào não truyền dẫn trực tiếp hoặc gián tiếp qua vỏ não và da đầu. Hình ảnh điện não ghi lại bằng hệ thống máy phản ánh chức năng sinh lý, bệnh lý của vùng bán cầu hoặc toàn bộ não liên quan với các triệu chứng lâm sàng, bổ sung cho chẩn đoán và theo dõi điều trị gọi là điện não đồ lâm sàng.

  1. Các phương pháp ghi điện não đồ
    • Ghi điện não thường quy: là phương pháp ghi điện não đồ thông thường, người bệnh được ngồi ghế, các điện cực được cố định bằng mũ điện não, quy trình ghi thường ngắn dưới 15 phút, trong quá trình ghi có thực hiện các biện pháp kích thích: ánh sáng, hít thở sâu, nhắm mở mắt…

Nhược điểm của phương pháp này là điện cực không được gắn cố định vào da đầu dễ bị nhiễu, thời gian ghi ngắn nên tỷ lệ phát hiện ra sóng bệnh lý thấp;

20032020 dien nao do 1

Hình 2.1. Mô phỏng quá trình ghi điện não đồ thường quy

  • Ghi điện não đồ kéo dài: là phương pháp ghi điện não đồ trong đó người bệnh được gắn điện cực trên da đầu bằng điện cực đĩa dán chắc chắn khi ghi người bệnh thường được nằm trên giường ghi điện não, quá trình ghi có thể kéo dài hàng giờ đến 24h.
  • Ưu điểm của phương pháp này: chính là khắc phục được nhược điểm của điện não đồ thường quy, đó là chất lượng hình ảnh tốt hơn, thời gian ghi kéo dài nên tỷ lệ phát hiện ra sóng bất thường cao hơn nhiều, điện não đồ kéo dài có nhiều ứng dụng rộng rãi hơn trong lâm sàng;

20032020 dien nao do 2

Hình 2.2. Mô phỏng ghi điện não đồ kéo dài bằng điện cực dán

  • Ghi điện não đồ video: là phương pháp ghi điện não đồ kéo dài kèm theo có camera ghi lại được hình ảnh tổng thể của người bệnh trong quá trình ghi điện não, giúp bác sĩ lâm sàng có thể theo dõi được biểu hiện lâm sàng của của người bệnh khi có sóng điện não bất thường;

20032020 dien nao do 3

Hình 2.3. Mô phỏng quá trình ghi điện não đồ video

  • Các sóng điện não cơ bản

     II.1 Sóng Alpha: là sóng dạng hình sin là chủ yếu, có tần số từ 8-13 chu kỳ/ giây; biên độ từ 20 – 100 microvon; sóng alpha phân bố nhiều ở 2/3 sau của hộp sọ, chủ yếu ở thùy chẩm; sóng alpha xuất hiện nhiều khi người bệnh ở trạng thái yên tĩnh, môi trường yên tĩnh, não không phải suy nghĩ, lo lắng, không bị mất ngủ kéo dài… vì thế sóng alpha được gọi là sóng thể hiện sự nghỉ ngơi của não;

II.2. Sóng Beta:là sóng không ổn định  tần số giao động từ 14 – 30 chu kỳ/giây; biên độ nhỏ thường chỉ nhỏ hơn hoặc bằng 50% sóng alpha; sóng beta xuất hiện nhiều tại vùng trán, giảm dần ở thái dương và vùng chẩm; sóng beta là biểu hiện của trạng thái hưng phấn thần kinh, do đó sóng beta còn được gọi là hoạt động của trương lực vỏ não; sóng beta xuất hiện nhiều ở người mất ngủ kéo dài, suy nhược thần kinh…

     II.3. Sóng Theta: là sóng chậm có tần số 4 – 7,5 chu kỳ/giây; biên độ có thể thấp hơn, bằng hoặc cao hơn alpha; sóng theta xuất hiện ở người bình thường trong các trường hợp : trẻ em dưới 10 tuổi, người già, và trong giấc ngủ; còn người trưởng thành thường ít có sóng theta , sóng theta cố định xuất hiện thường sẽ liên quan đến các tổn thương thực tổn ở vỏ não và cấu trúc dưới vỏ cần phải được khảo sát; đặc biệt ở người già có sa sút trí tuệ , có thể thấy sóng theta lan tỏa cả 2 bán cầu;

     II.4. Sóng Deltalà sóng chậm, có tần số 0,5 – 3,5 chu kỳ/giây; sóng delta thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, trong giấc ngủ sâu; người trưởng thành sóng delta xuất hiện cố định trong các tổn thương vỏ não do viêm não, chấn thương sọ não, đột quỵ não …

20032020 dien nao do 4

Hình 3.1. Hình dạng các sóng điện não ở người bình thường

  • Sự biến đổi của các sóng điện não trong bệnh lý.

Khi có tổn thương thực tổn ở não hoặc rối loạn chức năng của não sẽ dẫn tới quá trình dẫn truyền điện học của tế bào não thay đổi dẫn đến các sóng điện não bị biến đổi không giống như bình thường; sẽ xuất hiện các bất thường trên bản ghi điện não  bao gồm :

– Sự thay đổi về tỷ lệ xuất hiện các sóng alpha, beta: rối loạn giấc ngủ, trầm cảm, lo âu…

– Sự thay đổi về biên  độ các sóng (hình dạng)

– Xuất hiện các sóng chậm cố định tương quan với vùng não bị ảnh hưởng chức năng: sau đột quỵ, chấn thương sọ não, viêm não…

– Có sự mất cân xứng về sóng điện não ở 2 bên bán cầu: sau các chấn thương sọ não

– Xuất hiện các phức bộ sóng mới đặc trưng của động kinh: gai, nhọn, nhọn chậm, đa nhọn, đa nhọn chậm, loạn nhịp cao điện thế…

– Sự rối loạn các sóng trong các pha của giấc ngủ: rối loạn giấc ngủ.

20032020 dien nao do 5

Hình 4.1. Mô phỏng các dạng sóng điện não trong bệnh động kinh.

  • Ứng dụng chỉ định của điện não đồ kéo dài trong lâm sàng

– Chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh động kinh: trong bệnh động kinh, điện não được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cơn đó có phải là động kinh không vì có tính đặc hiệu cao; ngoài ra ghi điện não giúp bác sĩ theo dõi điều trị bệnh động kinh .

– Điện não định vị có vai trò quan trọng trong phẫu thuật vi phẫu điều trị động kinh: hiện nay tại bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, Nhi Trung ương điện não định vị đang được ứng dụng rộng rãi trong phẫu thuật điều trị động kinh kháng trị.

– Nghiên cứu sinh lý giấc ngủ và rối loạn giấc ngủ: điện não là phương tiện nghiên cứu sinh lý giấc ngủ hiệu quả nhất và cũng là công cụ góp phần quan trọng trong nghiên cứu rối loạn giấc ngủ, động kinh khi ngủ, các cử động bất thường trong giấc ngủ, hội chứng ngưng thở khi ngủ…

– Nghiên cứu sự ảnh hưởng chức năng của vùng não sau các tổn thương thực tổn và theo dõi sự hồi phục theo thời gian: sau đột quỵ, chấn thương sọ não, viêm não… các vùng não tổn thương sẽ xuất hiện các đặc điểm sóng bệnh lý; ghi điện não giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vùng bị ảnh hưởng chức năng, và khả năng hồi phục dần thông qua sự biến đổi điện não theo thời gian;

– Điện não đồ là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán chết não.

– Ứng dụng điện não trong chẩn đoán các giai đoạn của hôn mê kết hợp với các thang điểm lâm sàng, phim chụp CHT chức năng…

– Đánh giá mức độ tiến triển của sa sút trí tuệ theo thời gian và mức độ bệnh

– Đánh giá mức độ rối loạn chức năng não trong các nhiễm độc thần kinh: hóa chất, thuốc, chuyển hóa: thuốc an thần kinh, rượu, tăng ure huyết, toan chuyển hóa…

20032020 dien nao do 6

Hình 5.1. Mô phỏng hình ảnh điện não ở bệnh nhân lên cơn động kinh.

  • TÀI LIỆU THAM KHẢO.
  1. Điện não đồ ứng dụng trong thực hành lâm sàng – Đinh Văn Bền- Nhà xuất bản y học (2001)
  2. Thực hành lâm sàng thần kinh học tập IV- Nguyễn Văn Chương- Nhà xuất bản y học (2012)
  3. RoWanʼs Primer of EEG – LARA V MARCUSE MD – Elsevier (2016)

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật