Đi khám bệnh vì đau đầu, mệt mỏi kéo dài, người bệnh T.V.T (34 tuổi) ở Ba Vì – Hà Nội không ngờ mình lại bị suy thận mạn giai đoạn 5 và phải lọc máu cấp cứu.
Người bệnh cho biết, trước đây chưa từng đi kiểm tra sức khỏe nên không biết trong người có bệnh. Gần đây xuất hiện đau đầu, mệt mỏi, người bệnh đã đến khám tại phòng khám gần nhà, được chẩn đoán bị viêm xoang và điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm. Tuy nhiên, tình trạng không đỡ, các dấu hiệu mệt mỏi tăng lên, xuất hiện phù nhiều hai chi dưới, tiểu ít, bệnh đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra.
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, sau khi khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, siêu âm tổng quát đã cho thấy thấy có thiếu máu HC 3,24 T/L, HST 90 g/l; huyết áp cao 180/100 mmHg; chức năng thận suy giảm nhiều Ure 28,28 mmol/L, creatinin 810,9 mmol/L; trên siêu âm 2 thận đã teo nhỏ, có dịch ổ bụng và dịch màng phổi hai bên.
Người bệnh được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối / tăng huyết áp, thiếu máu, tràn dịch đa màng, đã được chuyển vào điều trị nội trú. Tại Trung tâm thận lọc máu các bác sĩ đã hội chẩn và chỉ định điều trị theo hướng lọc máu cấp cứu, điều trị triệu chứng, kiểm soát bệnh nền, nâng cao thể trạng bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ xung đạm thận, đồng thời phẫu thuật tạo cầu nối thông động tĩnh mạch để chạy thận nhân tạo lâu dài.
Hiện tại, sau thời gian được điều trị tích cực người bệnh đã đỡ mệt, không phù, tiểu được, toàn trạng ổn định. Tiếp theo, người bệnh sẽ phải thực hiện lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần.
BS. Ngô Thị Hương – Trung tâm Thận Lọc máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: Suy thận mạn tính là tình trạng mất chức năng của thận diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Với trường hợp của người bệnh T, nếu như người bệnh đi kiểm tra sức khỏe định kỳ thì có thể phát hiện bệnh sớm hơn, chúng tôi sẽ có những phương pháp điều trị hiệu quả và người bệnh có thể chưa phải lọc máu chu kỳ.
Tuy nhiên, do người bệnh đến bệnh viện khám muộn, nên bệnh đã âm thầm tiến triển đến giai đoạn cuối mà không hề biết. Lần này, khi dùng thuốc uống và thuốc tiêm để điều trị viêm xoang chỉ là giọt nước tràn ly làm cho bệnh tiến triển nặng lên thành đợt cấp nên người bệnh mới đi khám tại Bệnh viện.
Đáng chú ý, giống như trường hợp người bệnh T kể trên, tại Trung tâm Thận – Lọc máu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp người bệnh khác nhập viện trong tình trạng suy thận nặng hoặc suy thận giai đoạn cuối có chỉ định điều trị thay thế thận ngay lần đầu đến khám. Đây là những hệ luỵ rất nặng nề và đáng tiếc đối với người bệnh.
Qua đây bác sĩ khuyến cáo, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, người dân nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần. Khi gặp các vấn đề về sức khỏe cần đến các cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám, phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh không nên tự ý sử dụng các loại thuốc uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các loại thuốc theo truyền miệng để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.