Phòng chống nấm da trong mùa mưa lũ

Nấm da là một trong những bệnh phổ biến thường gặp trong mùa mưa lũ, do môi trường ô nhiễm, điều vệ sinh kém. Bệnh thường gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt. Hãy cùng tìm hiểu về căn bệnh nấm da và cách phòng chống nấm da trong bài viết sau của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

nấm da mùa mưa lũ

Nấm da là căn bệnh phổ biến trong mùa mưa lũ

Nấm da là gì?

Bệnh nấm da là tình trạng nhiễm trùng da, lông, tóc và móng do một số loại nấm gây ra. Có 2 nhóm bệnh: Nhiễm nấm nông và nhiễm nấm sâu. Tuy nhiên đa phần, chúng ta hay gặp bệnh lý nhiễm nấm nông (trên bề mặt da).

Trên da người, nấm sẽ ưa thích phát triển ở những vùng da ẩm ướt, có nhiều mồ hôi. Khi chúng phát triển, sẽ gây ra tình trạng viêm da kèm theo ngứa, ảnh hưởng nhiều đến tính thẩm mỹ và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Các loại nấm da phổ biến

Bệnh lang ben

Lang ben do nấm Pityrosporum gây nên, thường có hai dạng: dạng màu trắng và dạng màu đen. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay da tiết nhiều mồ hôi. Lúc này, bệnh nhân có cảm giác bị kim chích nhẹ gây ngứa ngáy khó chịu.

nấm da mùa mưa lũ

Hình ảnh bệnh lang ben

Bệnh lang ben tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng, độ pH của da và cả độ ẩm của da. Một số trường hợp trong cùng một gia đình có người mắc bệnh lang ben nhưng người thân khác lại không mắc.

Nấm hắc lào

Điển hình là nấm gây bệnh hắc lào với dấu hiệu đầu tiên là ngứa vùng bị bệnh, sau đó sẽ thấy một vệt màu hơi đỏ, có viền và bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền nấm có xu hướng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi người bệnh ngứa, gãi sẽ làm lây lan ra nhiều vùng hắc lào trên cơ thể mình.

nấm da mùa mưa lũ

Hình ảnh nấm hắc lào

Bệnh hắc lào là một trong những bệnh da liễu có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, thường do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như dùng chung quần áo, khăn mặt – khăn tắm, ngủ cùng giường, đắp cùng chăn…

Nấm kẽ

Căn nguyên của bệnh là do vi nấm Epidermophyton, nấm trichophyton hay còn do nấm Candida albicans gây ra. Bệnh thường gặp ở những người có nghề nghiệp phải ngâm chân, tay trong nước nhiều giờ, liên tục nhiều ngày như: nông dân, người làm vệ sinh cống rãnh, vận động viên bơi lội…. Nấm kẽ thường có 3 thể: thể tróc vảy khô, thể mụn nước và thể viêm kẽ.

nấm da mùa mưa lũ

Hình ảnh nấm kẽ chân

Nấm móng

Nấm móng thường do trichophyton gây nên. Bệnh xuất hiện ở bờ tự do của móng hay ở hai bên cạnh của móng. Khi bị bệnh, móng sẽ mất màu bóng, bị đẩy nhô lên hoặc khuyết vào, mặt móng lỗ chỗ hoặc thành rãnh, dưới rãnh có chất bột vụn. Móng của người bệnh càng ngày càng bị sần sùi, màu vàng hoặc đục. Bệnh có thể lây từ móng này sang móng khác.

nấm da mùa mưa lũ

Hình ảnh nấm móng tay

Ngoài nấm trichophyton còn có nấm móng do nấm Candida albicans gây tổn thương bên trong góc móng, móng mọc ra bị lồi lõm, da vùng góc móng cũng bị tổn thương sưng đỏ và đôi khi bị mưng mủ.

Nấm tóc

Nấm tóc do Piedra Hortai gây nên. Biểu hiện là trên mỗi sợi tóc có nhiều hạt màu đen bám vào nhưng bệnh nhân không cảm thấy gì khác thường và tóc cũng không bị rụng. Trong khi đó, nấm tóc do Trichophyton gây ra thì biểu hiện tổn thương trên da đầu với nhiều vết tròn nhỏ, kích thước bé khoảng 3 – 5mm, da đầu có vảy mỏng hoặc ngứa da vùng đầu.

nấm da mùa mưa lũ

Hình ảnh nấm tóc

Nên làm gì khi bị nấm da?

Điều đầu tiên và quan trọng nhất đó là người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị bởi các bác sĩ chuyên ngành da liễu. Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sinh hoạt cũng góp phần giúp phòng tránh và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nấm da.

Sau đây là một số cách đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện để phòng tránh nấm da:

  • Giữ cho da sạch và khô: Lau khô da sau khi rửa hoặc tắm.
  • Rửa tay kỹ: Rửa tay ngay sau khi chạm vào vết phát ban do nấm ngoài da.
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Mặc quần áo, tất, quần lót sạch hàng ngày và không dùng chung quần áo, vật dụng cá nhân (bàn chải, lược, kẹp tóc) với người khác.
  • Vệ sinh nhà tắm: Rửa kỹ bồn tắm, bồn rửa trong phòng tắm sau mỗi lần sử dụng.
  • Kiểm tra sức khỏe thú cưng: Hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ thú y nếu thú cưng của bạn có xuất hiện những mảng hói hoặc vết loét, vì đây có thể là nguồn lây nhiễm nấm ngoài da.
  • Hạn chế làm việc trong môi trường có nhiều mồ hôi, nóng nực.
  • Không sử dụng bừa bãi các loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc vì dễ làm suy giảm miễn dịch hàng rào bảo vệ da.

Tóm lại, nấm da là căn bệnh da liễu thường gặp trong mùa mưa bão. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt và thẩm mỹ của người bệnh. Người dân vùng lũ nói riêng và cộng đồng nói chung nên có các biện pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng tránh bệnh nấm da lây lan. Trong trường hợp mắc bệnh, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý bôi các thuốc không rõ nguồn gốc để tránh các biến chứng nguy hiểm.

Người bệnh cần tư vấn về sức khỏe xin vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ qua những kênh sau:

Tổng đài Chăm sóc khách hàng 24/24 (Miễn phí): 1800 888 989

Fanpage/Zalo: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Website: Benhviendakhoatinhphutho.vn

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật