Bệnh cúm A – 1 số lưu ý

Trong thời gian gần đây bệnh viện đa khoa tỉnh Phú thọ ghi nhận nhiều trường hợp sốt đến khám và test dương tính với virus cúm A, có những bệnh nhân có tổn thương viêm phổi nặng. Điều bất thường là bệnh cúm A thường xuất hiện vào mùa đông xuân, nhưng năm nay dịch lại bùng phát trong thời gian mùa hè gây lo lắng cho người dân.

Bệnh cúm A là gì?

Bệnh cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là H5N1, H1N1, H3N2, H7N9 trong đó chủng H7N9 và H5N1 thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây sang người và tạo thành dịch bệnh.

Cúm A thường xuất hiện trong các đợt cúm mùa và gây ra đại dịch vì virus cúm A thường xuyên thay đổi và phân nhóm tạo thành chủng mới từ cúm mùa này sang cúm mùa khác. Vì thế việc tiêm vacxin phòng cúm phải được tiêm nhắc lại mỗi năm để đảm bảo có hiệu quả với chủng cúm mới. Virus cúm A thường lây lan trên động vật như gà, chim, lợn, động vật có vú…và có thể nhanh chóng lây sang người.

Xem thêm video tại đây :

Triệu chứng cúm A

Các dấu hiệu của bệnh cúm A thường xuất hiện đột ngột và dễ nhận biết như ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể. Đôi khi các triệu chứng này tự hết mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên nếu các triệu chứng kéo dài nhiều ngày mà không cải thiện, có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhân bệnh cúm A diễn biến nặng có thể gây nhiễm trùng tai, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, ho khan, sốt cao gây co giật, tức ngực, viêm phổi và gây nặng lên các vấn đề tim mạch. Đối với người có hệ miễn dịch yếu như người lớn tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai cần theo dõi kỹ vì có thể gây ra các biến chứng nặng thậm chí tử vong.

Nguyên nhân gây bệnh cúm A

Virus gây bệnh cúm A có thể lây truyền trực tiếp trong không khí thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện, các giọt bắn kèm theo virus thoát ra ngoài có thể tiếp cận người khác và lây truyền bệnh bằng việc hít phải hoặc chạm phải đồ vật có virus.

Ngoài ra, một người bị nhiễm bệnh cúm A khi:

– Sử dụng chung vật dụng sinh hoạt với người bị nhiễm bệnh (ly, chén, thìa, khăn, quần áo…) hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ dùng trong nhà (nắm cửa, bàn ghế…) sau đó đưa lên mũi miệng.

– Tiếp xúc với các động vật có nhiễm cúm như lợn, ngựa, gia cầm…cũng có thể lây bệnh.

– Tập trung nơi đông người như trường học, công viên, nơi công sở…cũng là điều kiện để virus lây lan nhanh chóng.

Virus gây bệnh cúm A lây lan như thế nào?                   

Cảm cúm là một trong những căn bệnh rất dễ lây lan trực tiếp vì tốc độ phát triển của virus nhanh chóng. Bệnh nhân bị cúm A có thể lây lan sang người khác thong qua dịch tiết đường hô hấp có chứa virus cúm từ khoảng cách xa 2 m. Virus cúm A phát tán chủ yếu bởi các phân tử nước khi người bệnh hắt hơi ho, những giọt nước bắn vào không khí sau đó vo tình rơi vào miệng mũi của những người xung quanh.

Nếu người bệnh nói chuyện với người đối diện mà không mang khẩu trang, virus cúm cũng dễ dàng thoát ra và bám vào vật chủ khác. Ngoài ra, khi người bệnh ho hắt hơi, giọt bắn chứa virus có thể bám vào bề mặt các đồ vật và tồn tại đến 48h, khi đó người khác chạm vào đồ vật đó sẽ bị lây bệnh.

bệnh cúm A

Các chủng loại virus cúm A

05082022 cum a 2

Cúm A/H1N1: từng được gọi là cúm lợn vì có nguồn gốc từ lợn, có thể gây viêm phổi nặng, suy đa tạng thậm chí là tử vong. Virus này lây lan từ người sang người tạo ra bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính. Người mắc bệnh sẽ có khả năng lây truyền cho người khác từ trước 1 ngày đến 7 ngày sau khi có triệu chứng bệnh. Tốc độ lây lan của virus này vô cùng nhanh. Nhóm đối tượng dễ mắc virus cúm A/H1N1 bao gồm: người có hệ miễn dịch suy giảm, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người mắc bệnh tim mạch mạn tính, bệnh phổi mạn tính, béo phì

Tỷ lệ người tử vong do mắc phải bệnh này ở mỗi quốc gia khác nhau, ở Mỹ khoảng 0,048%, ở Anh là 0,026%.

Cúm A/H5N1: còn được gọi là cúm gia cầm bởi virus ký sinh trên tế bào ruột của các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng, chim…và sau đó lây nhiễm sang cho con người. Bệnh hay gặp ở những người đang trong độ tuổi lao động và bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Virus cúm A/H5N1 có độc lực cực mạnh gây những phản ứng viêm quá mức, tổn thương suy đa tạng, tỷ lệ tử vong cao lên đến 60-80%.

Cúm A/H3N2: hiện là một trong bốn loại cúm mùa nguy hiểm nhất, dễ gây tử vong cho người bệnh vì biến chứng, có thể lây nhiễm cho chim, lợn, người. Khi lây nhiễm thường thay đổi thành nhiều chủng khác nhau.

Cúm A/H7N9: thường tìm thấy ở gia cầm, chim và thủy cầm. Là chủng có độc lực cao, tiềm ẩn nguy cơ gây đại dịch.

Đối tượng nào dễ bị bệnh cúm A?

Đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh cúm A, tuy nhiên một số trường hợp sau cần chú ý có nguy cơ mắc cao và diễn tiến nặng hơn:

  • Trẻ em < 5 tuổi, người lớn > 65 tuổi
  • Người có bệnh mạn tính: đái tháo đường, tim mạch, phổi, suy thận, suy gan, suy giảm miễn dịch.
  • Phụ nữ có thai đặc biệt là trong 3 tháng đầu và cuối tahi kỳ
  • Bệnh nhân suy giảm nhận thức rối loạn thần kinh, động kinh
  • Những người làm ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện…

Biến chứng bệnh cúm A

Cúm A thường tiến triển không quá nặng, tuy nhiên đối với những người mắc bệnh lý tim mạch, hô hấp hoặc trẻ nhỏ người lớn tuổi thường sẽ trở nặng có thể gây ra tử vong.

Ngoài ra, bệnh còn gây viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng tiết niệu và một số triệu chứng như sốt cao, khó thở, tím tái. Với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm A có thể gây biến chứng viêm phổi và sảy thai. Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm A là phù não và tổn thương gan trầm trọng, tỷ lệ tử vong cao.

Chẩn đoán xác định bệnh cúm A

Lâm sàng: có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc gia cầm bị ốm chết hoặc tiếp xúc với những người từ vùng dịch tễ), có biểu hiện của bệnh cúm và suy hô hấp.

Thời gian ủ bệnh: tùy theo từng loại, với A/H5N1 là khoảng 1 tuần, với A/H1N1 từ 1,5-3 ngày hoặc lâu hơn.

Giai đoạn toàn phát: bệnh nhân đau rát họng, đau đầu, sốt, đau khắp mình mẩy, ho khan, chảy nước mũi. Có thể xuất hiện các triệu chứng về thần kinh như: lú lẫn, rối loạn cơ tròn, hội chứng màng não, buồn nôn, nôn…Các triệu chứng về hô hấp: suy hô hấp, khó thở, mạch nhanh, SpO2 giảm, tím môi đầu chi…Các triệu chứng về tiêu hóa như viêm dạ dày ruột, tiêu chảy…

Cận lâm sàng: công thức máu: bạch cầu và tiểu cầu bình thường hoặc giảm. X quang phổi: tổn thương thâm nhiễm khu trú ở một bên hoặc lan sang cả 2 bên. Khí máu: giảm oxy máu mức độ từ vừa đến nặng, test nhanh cúm A dương tính với dịch tỵ hầu hoặc dịch phế quản. PCR chẩn đoán cúm A/H5N1 hoặc cúm A/H1N1 cho kết quả chính xác nhưng chậm mất nhiều thời gian.

Điều trị bệnh cúm A

Đa số các loại cúm A có thể khỏi sau 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Tùy theo mức độ bệnh mà sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị cúm:

  • Điều trị tại nhà: để người bệnh nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, uống thuốc hạ sốt, uống nhiều nước, ăn uống chế độ hợp lý, bổ xung đầy đủ chất dinh dưỡng, đồ ăn dễ tiêu hóa, hạn chế uống nước lạnh. Tắm nước ấm, mặc quần áo thong thoáng. Nếu sau 7 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế. Trong thời gian đó, người bệnh hạn chế ra ngoài tránh tiếp xúc hỗ đông người, nếu ra ngoài bắt buộc mang khẩu trang y tế.
  • Điều trị tại cơ sở y tế: những trường hợp tiến triển nặng cần đưa đến cơ sở khám chữa bệnh để kịp thời cấp cứu và điều trị. Thuốc được sử dụng để điều trị cúm A không biến chứng cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn là Tamiflu, nếu thuốc được dùng trong vòng 48h, thời gian điều trị sẽ rút ngắn còn 1-3 ngày.
  • Cụ thể: người lớn và trẻ em trên 13 tuổi: dung 2 lần/ ngày, mỗi lần 75mg, sử dụng lien tiếp trong vòng 5 ngày. Trẻ em dưới 13 tuổi theo chỉ dẫn cụ thể của bác sỹ.
  • Điều trị khác: hạ sốt, liệu pháp oxy, dinh dưỡng, Corticoid, thở máy, lọc máu…tùy diễn biến của bệnh.
  • Có thể ra viện sau khi hết sốt 3 ngày, lâm sàng diễn biến ổn định.

Phòng ngừa bệnh cúm A

  • Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm: nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác bệnh, từ đó có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.
  • Vệ sinh cá nhân cẩn thận: thường xuyên rửa tay bằng dung dịch cồn hoặc xà bông tiệt trùng.
  • Hạn chế tiếp xúc nơi đông người
  • Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc với dung dịch sát khuẩn, mở cửa sổ thong thoáng.
  • Tăng cường sức đề kháng bằng tập luyện thể dục, chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh.
  • Tiêm vắc xin cúm đầy đủ, đúng lịch nhất là các đối tượng có nguy cơ nhiễm cúm cao cần được tiêm phòng trước mùa dịch.

Nguồn: https://en.wikipedia.org/wiki/Influenza

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Tổng đài Chăm sóc khách hàng 1800 888 989 (Miễn phí)

Theo dõi tin tức y học tại: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật