BỆNH LAO PHỔI

Bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi

                                             

Bệnh lao phổi là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) gây nên. Trên cơ thể người có bao nhiêu bộ phận thì bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận đó. Đặc biệt là lao phổi gặp phổ biến nhất ( Chiếm 80%- 85%) tổng số ca mắc lao và là nguồn lây chính trong cộng đồng. Vì lý do đó trong bài này tôi đề cập đến bệnh lao phổi.

1-Đặc điểm dịch tễ bệnh lao phổi: 

Do lây bằng đường hô hấp nên bệnh rất dễ lây từ người sang người, khả năng lây lan mạnh trong thời gian người bệnh chưa được điều trị. Theo nghiên cứu cứ 1 người bệnh bị lao phổi ho khạc đờm có vi khuẩn có thể lây cho 10- 15 người khác, đặc biệt ở nơi đông người, khi người bệnh lao phổi được điều trị bằng thuốc lao thì khả năng lây bệnh sang người khác là rất thấp. Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ, gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ em, phụ nữ có thai, đặc biệt là người có bệnh lý nền mãn tính như tiểu đường, HIV, điều trị thuốc ức chế miễn dịch kéo dài.

20190619 183311 952309 13770471 30112018.max 1800x1800 1

2-Nguồn bệnh:

Là những người bị bệnh lao phổi trong giai đoạn ho khạc ra vi khuẩn lao.

3-Phương thức lây truyền:

Lao phổi lây truyền qua đường hô hấp khi người bệnh ho khạc, vi khuẩn lao từ các hạt nước bọt li ti hoặc trong các hạt nhỏ lơ lửng dễ dàng bị hít vào phổi, từ phổi vi khuẩn lao có thể vào máu -> đến các tạng trong cơ thể và gây bệnh tại đó.

4-Đặc điểm bệnh lao phổi:

a- Dấu hiệu nhận biết bệnh lao phổi: 

Người bị lao phổi có biểu hiện: ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều và đêm, ra mồ hôi trộm, mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân, cũng có thể ho ra máu số lượng ít hoặc nhiều, đau tức ngực. Tỉ lệ trên 90% người bị lao phổi có các triệu chứng này.

1.12.lao2

b- Xét nghiệm cận lâm sàng: 

-Xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao AFB (+)

-Phản ứng Mantoux (+)

-Nuôi cấy đờm thấy trực khuẩn lao ở các môi trường đặc hiệu.

– Xét nghiệm PCR Tuberculosis (+)

-Xét nghiệm GeneXpert để chẩn đoán lao.

-X-quang phổi có hình ảnh tổn thương thâm nhiễm, nốt, hang, có thể ở một hoặc hai bên phổi

5- Chẩn đoán

a-Chẩn đoán xác định: 

*Dựa vào triệu chứng lâm sàng:

Ho khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, sốt nhẹ về chiều và đêm, ra mồ hôi trộm, mệt mỏi, ăn kém, gầy sút cân, cũng có thể ho ra máu số lượng ít hoặc nhiều, đau tức ngực. 

*Dựa vào cận lâm sàng:

– Phải có ít nhất một mẫu đờm có AFB(+) và X-quang có hình ảnh tổn thương nghi lao.

– Hoặc phải có 2 mẫu đờm AFB(+) 

b- Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh hay ho khạc mạn :

* Giãn phế quản: ho khạc đờm mạn, có thể ho ra máu, thể trạng còn tốt, không gầy sút cân, xuất hiện từng đợt, có kèm theo sốt cao, đờm mủ, soi đờm không có AFB, X-quang phổi có hình ảnh tổn thương dạng “ tổ ong” hoặc viêm dày các phế quản. Bệnh giảm khi điều trị kháng sinh 2 – 3 tuần.

* Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): ho khạc đờm mạn tính nhiều tháng trong năm, nhiều năm liên tục, triệu chứng chủ yêu là khó thở, tăng dần theo thời gian, soi đờm không có AFB, X-quang phổi có hình ảnh tăng sáng hai trường phổi.

* Ung thư phổi: Ho khạc mạn tính, có thể ho ra máu, gầy sút cân, đau ngực, thường gặp ở nam giới trên 40 tuổi, có tiền sử hút thuốc nhiều năm. X-quang phổi có hình ảnh tổn thương dạng khối u đa hình thái. Soi đờm không có AFB

* Một số bệnh lý khác: Viêm phổi, Áp xe phổi, bệnh phổi do ký sinh trùng…

40

6-Điều trị:

a- Quản lý điều trị:

-Thu dung, cách ly, điều trị người bệnh.

-Người bệnh lao phổi phải được đăng ký điều trị và theo dõi trong quá trình mang bệnh. Phương pháp điều trị có kiểm soát bằng phác đồ ngắn hạn(DOTS).

-Người bệnh lao phổi phải được giám sát điều trị trực tiếp 2 tháng đầu, sau đó có thể giám sát bởi y tế cơ sở hoặc người thân cho đến khi kết thúc điều trị.

b- Nguyên tắc điều trị:

Điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện bệnh. Phương pháp điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS). Điều trị theo phác đồ chuẩn được Bộ y tế quy định cho các trường hợp lao phổi mới được phát hiện.

c- Phác đồ cụ thể:

6 tháng: 2S(E)HRZ/ 4RH hoặc 8 tháng 2S(E)HRZ/ 6HE

(S): Streptomycin; (E) Ethambutol; (H) Isoniazid; (R) Rifampicin; (Z) Pyrazinamid.

Tuân thủ nguyên tắc: uống thuốc đúng phác đồ, đủ thời gian, uống thuốc đều đặn vào 1 giờ nhất định trong ngày, uống xa bữa ăn.

truyen thong benh lao

7- Phòng bệnh:

-Biện pháp dự phòng quan trọng nhất là cắt đứt nguồn lây, phát hiện sớm người bị lao phổi AFB(+) và điều trị kịp thời.

– Làm tốt công tác truyền thông và GDSK trong cộng đồng để mọi người hiểu được lao phổi là 1 bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể phòng và điều trị khỏi hoàn toàn. từ đó có ý thức phòng bệnh bằng cách tăng cường sức khỏe, làm sạch và thông thoáng môi trường sống.

– Người bệnh lao phổi phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, khi ho khạc đờm phải đúng nơi quy định, đờm và vật chứa nguồn lây phải được tiêu hủy đúng phương pháp.

– Tận dụng tối đa ánh nắng mặt trời cho nơi ở và vật dụng của người bệnh.

– Tiêm phòng Vaccin BCG cho trẻ sơ sinh.

– Điều trị dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao HIV bằng thuốc INH …

—–*—–

Trân trọng cảm ơn quý đồng nghiệp, người bệnh, người nhà người bệnh đã đọc bài viết. Chúng tôi luôn lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của quý vị để bài viết được cập nhật và hoàn thiện hơn. Mọi ý kiến đóng góp, tư vấn về bệnh lao phổi xin vui lòng liên hệ số điện thoại Khoa Bệnh Nhiệt Đới – BVĐK Tỉnh Phú Thọ: 0975010566 

Việt Trì ngày 24/ 10/ 2022   

Người viết bài: BS Lê Quang Thoại

Khoa Bệnh nhiệt đới -BVĐK Tỉnh Phú Thọ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật