Biến chứng thần kinh thường phổ biến ở những người bệnh đái tháo đường đặc biệt xuất hiện nhiều ở những trường hợp kiểm soát đường máu không tốt. Bệnh ít khi gây tử vong nhưng lại là nguyên nhân chính gây ra việc cắt cụt chân ở người bệnh đái tháo đường. Do đó, người mắc bệnh hết sức cảnh giác với biến chứng này.
1. Biến chứng thần kinh do mắc Đái tháo đường là gì?
Bệnh thần kinh do đái tháo đường là những tổn thương xảy ra trên dây thần kinh nguyên nhân do tình trạng đường huyết tăng cao và kéo dài. Các sợi thần kinh trên toàn cơ thể đều có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, biểu hiện rõ rệt nhất thường là ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới (hiện nay, biến chứng thần kinh ngoại biên thường gặp hơn).
Bệnh thần kinh do đái tháo đường được chia thành hai nhóm chính, tương ứng với các biểu hiện triệu chứng:
Biến chứng thần kinh ngoại biên: Người bệnh bị tê bì chân tay, kim châm kiến bò rất ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày đặc biệt là giấc ngủ.
Biến chứng thần kinh tự chủ: Người bệnh bị ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh nằm ngoài sự điều khiển của ý thức chủ động, có chức năng điều khiển hoạt động của các nội tạng như dạ dày, ruột, tim mạch đặc biệt hệ tiết niệu (biểu hiện đái không tự chủ)
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh thần kinh do Đái tháo đường?
Cơ chế gây tổn thương thần kinh do đái tháo đường rất phức tạp tuy nhiên bản chất là do tích lũy đường sorbitol trong hệ thống dây thần kinh, kết hợp với quá trình stress oxy hóa làm tổn thương các tế bào thần kinh. Cùng với đó là tổn thương vi mạch làm giảm cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng các sợi thần kinh. Hậu quả của quá trình này không chỉ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa mà còn gây tổn thương sợi trục thần kinh. Do đó làm rối loạn dẫn truyền và gây ra các cơn đau đớn dai dẳng.
3. Biểu hiện của biến chứng thần kinh do đái tháo đường như thế nào?
Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường rất đa dạng, thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương. Thông thường, triệu chứng cũng rất mờ nhạt, do đó, người bệnh có thể không để ý, cho đến khi bác sĩ khám thấy thì tổn thương nặng đã xuất hiện.
Các biểu hiện của bệnh thần kinh do đái tháo đường được chia ra theo nhóm thần kinh bị ảnh hưởng như sau:
3.1. Biến chứng thần kinh ngoại biên
Đây là biểu hiện thường hay gặp nhất và bàn chân hai bên là nơi có triệu chứng đầu tiên. Sau đó, triệu chứng sẽ lan dần lên cẳng chân hay xuất hiện thêm ở bàn tay. Triệu chứng thường đối xứng cả hai bên chi. Người bệnh thường có cảm giác:
– Tê, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân. Người bệnh thường xuyên đi rớt dép, giẫm đạp vật nhọn, bị vết thương mà không hề hay biết
– Cảm giác đau buốt, thường tăng về đêm
– Cảm giác châm chích, bỏng rát
– Đôi khi người bệnh có triệu chứng tăng cảm: Dù chạm nhẹ người bệnh cũng cảm thấy đau rất nhiều
– Đau khi bước đi
– Yếu cơ và đi lại khó khăn.
– Loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp khi bệnh đã diễn tiến nặng.
3.2. Biến chứng thần kinh tự chủ
Ngoài những tổn thương thần kinh cảm giác và vận động, hệ thần kinh tự chủ cũng bị tổn thương. Tùy theo vị trí sợi thần kinh tổn thương mà người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ huyết áp tư thế, hạ đường huyết không có dấu hiệu cảnh báo, rối loạn tiết mồ hôi làm da khô, tróc vảy, dày sừng; rối loạn chức năng sinh dục, khó kiểm soát tiểu tiện, đầy bụng, táo bón.
4. Điều trị và cách phòng ngừa biến chứng thần kinh do đái tháo đường?
Hiện nay, vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thần kinh đái tháo đường cũng như các biến chứng thần kinh của nó. Do đó, việc điều trị chủ yếu là kiểm soát tốt đường huyết giúp làm chậm diễn tiến của bệnh. Ngoài ra, nếu biểu hiện quá khó chịu và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, người bệnh được chỉ định dùng thuốc giảm đau thần kinh cũng như điều trị theo triệu chứng, phục hồi chức năng.
Tùy vào tình trạng đau do biến chứng thần kinh ngoại biên mà bác sĩ chỉ định thuốc giảm đau có hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ.
Vấn đề phòng ngừa vẫn luôn được quan tâm hàng đầu. Đối với người bệnh đái tháo đường, cần tuân thủ nghiêm túc chế độ ăn và tập luyện chuyên biệt, liệu trình điều trị, tái khám định kỳ, không hút thuốc và hạn chế bia rượu. Nên theo dõi huyết áp, đường huyết của bản thân tại nhà cũng như nhận biết sớm các dấu hiệu tổn thương thần kinh, cách quan sát và chăm sóc bàn chân kỹ lưỡng để tránh các vết loét, không làm nặng thêm các biến dạng bàn chân đã có.
Hiện nay, tại Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã có những pháp điều trị mới, hiệu quả cùng với trang thiết bị tiên tiến,hiện đại, người bệnh có nhu cầu xin liên hệ:
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường
Ths.Bs Đỗ Thị Tư – Cao Thủy