Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng thường xảy ra vào mùa đông – xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh và chủ động phòng tránh là vô cùng cần thiết.
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao
Các dấu hiệu nhận biết bệnh sởi
Dấu hiệu của bệnh sởi phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, cụ thể dấu hiệu ở từng giai đoạn như sau:
Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này kéo dài từ 10 đến 14 ngày. Lúc này, các dấu hiệu bệnh chưa biểu hiện ra ngoài.
Giai đoạn khởi phát: Kéo dài từ 2 đến 4 ngày. Các dấu hiệu bao gồm:
- Sốt nhẹ.
- Sổ mũi.
- Viêm đường hô hấp trên.
- Viêm đỏ kết mạc.
- Phù mí mắt.
- Hạt Koplik (nội ban).
Giai đoạn phát ban:
- Phát ban trên nhiều vị trí khác nhau: Bắt đầu từ vùng đầu, mặt, cổ; sau đó là vùng ngực, lưng, cánh tay và lan ra toàn thân.
- Ban dạng sần, hơi nổi trên bề mặt da.
Giai đoạn hồi phục:
- Người bệnh ngừng sốt.
- Để lại những vết thâm trên da (vằn da hổ), thường sẽ tự hết sau khoảng một tuần và không để lại sẹo.
- Sức khỏe người bệnh hồi phục nhanh.
Cách phòng tránh bệnh sởi
Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi
– Đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
– Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
– Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
- Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày.
- Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa …), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
- Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 – 2 lần/ngày.
- Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.
- Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt tại những phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch..
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
- Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Tác giả: BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Lý
Cộng sự: Thu Vân