Nhật ký can thiệp mạch não: Lấy huyết khối cho người bệnh trẻ tuổi trong những ngày đầu xuân 2025

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cùng với các khoa, phòng, trung tâm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các cán bộ y tế tại Trung tâm Đột quỵ vẫn liên tục túc trực 24/24h, Cấp cứu và điều trị cho nhiều người bệnh đột quỵ.

Ngày 02/02/2025, trong khi mọi người vẫn đang tận hưởng không khí Tết rộn ràng thì Trung tâm Đột quỵ đã tiếp nhận 1 trường hợp rất đặc biệt, người bệnh bị đột quỵ nhồi máu tắc mạch lớn khi tuổi đời còn rất trẻ.

Người bệnh nam, 31 tuổi, tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 6h sáng, sau khi ngủ dậy, người bệnh bị choáng váng ngã trong nhà vệ sinh. Sau ngã, người bệnh liệt 1/2 người phải, được gia đình đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Yên Lập. Tại đây, người bệnh được khám,  chụp cắt lớp vi tính sọ não thấy có hình ảnh giảm tỷ trọng thái dương trái. Ngay lập tức bệnh nhân được hội chẩn trực tuyến và chuyển thẳng tới Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ giờ thứ 9 khi phát hiện triệu chứng.

Lúc vào Trung tâm đột quỵ , người bệnh trong tình trạng rối loạn ý thức, kích thích nhiều, liệt hoàn toàn ½ người phải (cơ lực 0/5). Do đã được hội chẩn trước khi chuyển viện, rất nhanh chóng người bệnh đã được khám cấp cứu và được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) 3.0 ngoài đánh giá mạch máu não còn có chức năng đánh giá tưới máu não. Trên hình ảnh MRI sọ não của bệnh nhân thấy có hình ảnh nhồi máu não do tắc động mạch cảnh trong trái.

Nhật ký can thiệp mạch não: Lấy huyết khối cho người bệnh trẻ tuổi trong những ngày đầu xuân 2025

Hình ảnh tổn thương nhồi máu não cấp do tắc động mạch cảnh trong trái

Mặc dù khi người bệnh được chuyển đến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ là giờ thứ 9 ( đã quá thời gian vàng  – khoảng thời gian can thiệp đem lại hiệu quả cao trong điều trị đột quỵ nhồi máu não), nhưng khi đánh giá tưới máu não bằng cộng hưởng từ 3.0, các bác sĩ nhận thấy nếu can thiệp tái thông ngoài giờ vàng vẫn có thể cứu thêm 1 số vùng tế bào não, ngăn ngừa tình trạng nặng lên. Một yếu tố quan trọng nữa là người bệnh còn rất trẻ (31 tuổi), nên các bác sĩ đã quyết định can thiệp mạch muộn giờ.

Sau khi giải thích kỹ với gia đình người bệnh và nhận được sự đồng thuận, Ekip can thiệp đã có mặt nhanh chóng và tiến hành can thiệp lấy huyết khối. Cùng với những nỗ lực và quyết tâm của các bác sĩ, kỹ thuật viên, sau khoảng 20 phút can thiệp, Ê kíp đã lấy ra 6 mảnh huyết khối, người bệnh đã được tái thông hoàn toàn động mạch bị tắc. Sau can thiệp, người bệnh cải thiện ý thức tốt hơn, hết kích thích, gọi hỏi đã trả lời đúng.

Nhật ký can thiệp mạch não: Lấy huyết khối cho người bệnh trẻ tuổi trong những ngày đầu xuân 2025

Đến ngày thứ 5 sau can thiệp, người bệnh đã tỉnh táo hoàn toàn, liệt nửa người phải đã cải thiện, chân đã có thể tự nhấc lên trên mặt giường. Người bệnh tiếp tục được theo dõi điều trị, tập phục hồi chức năng sớm và có thể quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi hồi phục.

Nhật ký can thiệp mạch não: Lấy huyết khối cho người bệnh trẻ tuổi trong những ngày đầu xuân 2025

Hình ảnh BS.CKI Nguyễn Anh Minh cùng người bệnh sau 5 ngày can thiệp

Qua trường hợp người bệnh kể trên, BS.CKI Nguyễn Anh Minh – Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo: Tỷ lệ người trẻ từ 45 tuổi trở xuống bị đột quỵ có xu hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.

Những yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ ở người trẻ, đặc biệt trong các dịp Lễ, Tết gồm: Sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ít vận động, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi chưa hợp lý, người có các bệnh lý nền như huyết áp, tim mạch không tuân thủ uống thuốc đều đặn…

Người bệnh bị đột quỵ nếu phát hiện và điều trị muộn, không được cấp cứu trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khi có triệu chứng đột quỵ) thì cơ hội phục hồi rất khó khăn. Không ít người đã phải gánh chịu những di chứng nặng nề, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, nặng hơn nữa là mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta từ bỏ cơ hội điều trị. Với trình độ chuyên môn ngày càng cao, cùng sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị y tế ngày càng hiện đại, dù đã qua “giờ vàng” nhưng tùy từng trường hợp, các bác sĩ vẫn có thể can thiệp điều trị, giúp người bệnh thoát khỏi nguy cơ di chứng nặng nề. Vì vậy, thân nhân, gia đình của người bệnh không nên từ bỏ điều trị khi thấy người bệnh ở tình trạng nặng.

Với đột quỵ, quan trọng nhất là nhận biết được những dấu hiệu sớm, đặc biệt là 3 dấu hiệu điển hình và rất thường gặp dưới đây:

  • Dấu hiệu trên khuôn mặt: Nếu góc miệng (khóe miệng) của người bệnh khi nói, cười bị lệch, méo miệng hoặc chảy nước khi uống nước thì cần nghĩ ngay đến đột quỵ.
  • Dấu hiệu ở các chi: Tay chân bên phải hoặc trái bị yếu liệt hoặc tê bì.
  • Dấu hiệu ngôn ngữ, lời nói: Nói khó hơn so với bình thường, phát ngôn khó, hoặc không phát ngôn được.

Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu của bệnh đột quỵ, hãy liên hệ với Trung tâm Đột quỵ – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ theo số điện thoại: 0210 6552288 hoặc Hotline Bệnh viện 1800 888 989 để được tư vấn và trợ giúp tốt nhất.

Tác giả: BS.CKI Nguyễn Anh Minh

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật