Trong bối cảnh số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ có xu hướng gia tăng và có nguy cơ bùng phát thành dịch trên nhiều quốc gia, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đây là mức báo động quy mô toàn cầu cao nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm thúc đẩy nghiên cứu, tài trợ và triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo báo cáo của WHO, virus đậu mùa khỉ nhánh Ib (Clade Ib) được cho là nguyên nhân gia tăng số ca lây nhiễm đậu mùa khỉ từ người sang người gần đây.
Tốc độ lây lan đáng báo động của bệnh đậu mùa khỉ
Trong năm 2024, đặc biệt là 2 tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ghi nhận sự gia tăng cao bất thường số trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Congo. Từ đầu năm đến nay, nước này đã ghi nhận khoảng 15.600 trường hợp mắc, trong đó có trên 500 trường hợp tử vong.
Tính riêng tại 12 quốc gia châu Phi cũng đã có hơn 21.300 trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc đậu mùa khỉ với 590 ca tử vong. Đáng chú ý là có tới hơn 60% số ca tử vong được biết đến là trẻ dưới 5 tuổi.
Dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng ở châu Phi
Tình hình dịch bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn khi các trường hợp nhiễm chủng vi rút mới đã được phát hiện bên ngoài châu Phi như Philippines, Thái Lan, Thụy Điển, Pakistan.
Tại Việt Nam ca đậu mùa khỉ đầu tiên được phát hiện vào tháng 10/2022. Theo báo cáo của Viện Pasteur, trong hai năm 2023-2024, nước ta đã có 199 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có 8 ca tử vong, tập trung chủ yếu ở khu vực phía nam. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc đông nhất với 156 ca mắc mới và 6 ca tử vong. Các ca bệnh đều là nam, tuổi trung bình là 32 (nhỏ nhất là 18 và lớn nhất là 53 tuổi). 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Đáng chú ý, 55% bệnh nhân là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.
Thận trọng và chủ động ứng phó
Theo những thống kê của Bộ Y tế về số lượng ca mắc cũng như đặc điểm dịch tễ của bệnh, có thể thấy bệnh đậu mùa khỉ ở nước ta chủ yếu lây trong một nhóm đối tượng nhất định, chưa lan rộng ra cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta không thể chủ quan, thay vào đó phải cảnh giác vì bệnh diễn biến phức tạp, có thể lây lan từ các nước khác vào Việt Nam. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng xuất hiện biến thể mới của virus.
Người bệnh mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam đang được bác sĩ thăm khám
Để chủ động phát hiện kịp thời các ca bệnh đậu mùa khỉ trong nước và từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, các cơ quan chức năng nước ta đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh thông qua hàng loạt các biện pháp thiết thực khác nhau.
Ngày 19/8, Bộ Y tế có công văn gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Pasteur, các bệnh viện điều trị bệnh truyền nhiễm về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo tại Công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ cũng bao gồm việc chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ, phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám và chữa bệnh. Theo đó, Việt Nam tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu và các trường hợp tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở y tế công lập và tư nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ được Ban Lãnh đạo hết sức quan tâm. Mọi tình hình diễn biến của bệnh trên thế giới và trong nước đều được theo dõi và cập nhật sát sao. Bệnh viện đã phổ biến công điện của Chính phủ và công văn chỉ đạo của Bộ Y tế tới toàn thể cán bộ viên chức, người lao động của Bệnh viện. Các biện pháp phòng ngừa trong quá trình khám chữa bệnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong Bệnh viện. Bệnh viện luôn tích cực tuyên truyền tới người dân các thông tin liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ nhằm góp phần nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời.