Cảnh báo tình trạng nhiễm toan lactic khi dùng Metformin điều trị đái tháo đường

Metformin là loại thuốc phổ biến dùng điều trị đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, trên những ngưỡi bệnh có chức năng thận suy giảm, việc dùng metformin cần hết sức lưu tâm vì có thể gây tình trạng nhiễm toan lactic nặng, thậm chí tử vong.

          Vừa qua, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận một trường hợpngười bệnh nữ, 79 tuổi, ở Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ vào viện vì mệt mỏi, khó thở. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường nhiều năm vẫn duy trì dùng thuốc điều trị đều đặn (Metformin 2000mg/ngày).

          Người bệnh vào Khoa trong tình trạng tỉnh, kích thích, khó thở nhiều, thở nhanh, huyết áp tụt 70/50mmHg. Xét nghiệm khí máu động mạch tại giường cho thấy tình trạng nhiễm toan rất nặng: pH 6,8, lactat 11,5, pCO2 10,2, HCO3- 1.8. Người bệnh được các bác sĩ cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp chiếu khảo sát các nguyên nhân gây tình trạng toan chuyển hóa, và đã loại trừ được các nguyên nhân gây sốc, toan chuyển hóa như: ngộ độc rượu, toan ceton, sốc nhiễm khuẩn,… Kết hợp với lịch sử hồ sơ bệnh án lưu trữ cho thấy, người bệnh có tiền sử đái tháo đường nhiều năm biến chứng suy thận mạn. Các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán ban đầu theo dõi toan lactic.

Xét nghiệm khí máu động mạch lúc nhập viện.
Xét nghiệm khí máu động mạch lúc nhập viện.

          Ngay sau đó, người bệnh đã được nhanh chóng cấp cứu ban đầu bằng các biện pháp: đặt ống nội khí quản, thở máy, truyền dịch, vận mạch, truyền kiềm. Đây là một trường hợp người bệnh cao tuổi, nhiều bệnh lý nền nên nguy cơ tử vong rất cao, xét nghiệm thời điểm nhập viện ngoài tình trạng toan chuyển hóa, người bệnh còn trong tình trạng suy đa tạng: suy gan, suy thận, rối loạn chuyển hóa, tăng lipid máu, tăng acid uric rất cao. Suy đa tạng kèm theo tình trạng sốc không đáp ứng vận mạch, bù dịch nênđã được chỉ định lọc máu liên tục.

           Sau 24 giờ điều trị tích cực, người bệnh đã thoát khỏi cửa tử. Sau 48 giờ, tình trạng toan chuyển hóa đã cải thiện, dừng được các thuốc vận mạch, chức năng thận dần hồi phục, được rút ống nội khí quản, cai được thở máy và không để lại di chứng. Hiện tại, sau giai đoạn hồi sức nặng nề, người bệnh được chuyển sang Khoa Nội tiết – Đái tháo đường để được tiếp tục kiểm soát tình trạng đường huyết.

Người bệnh được lọc máu liên tục tại Khoa HSTC-CĐ.
Người bệnh được lọc máu liên tục tại Khoa HSTC-CĐ.

            BS Đinh Văn Trung, người trực tiếp tiếp nhận và điều trị cho người bệnh cho biết: “Đây là trường hợp nhiễm toan lactic rất nặng, ngay thời điểm nhập viện đã ở trong tình trạng sốc, suy đa tạng nặng nề. Rất may mắn người bệnh đã được cấp cứu hết sức kịp thời và được cứu sống nhờ sự khẩn trương, tích cực cùng với các biện pháp điều trị hiện đại của Khoa Hồi sức tích cực.”

           Đồng thời, bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo: “Metformin là nhóm thuốc điều trị sẵn có, rẻ tiền được sử dụng từ lâu ở người bệnh đái tháo đường type 2. Thuốc chuyển hóa qua gan, thận, do vậy trên nhóm người bệnh suy giảm chức năng gan, thận việc dùng metformin cần hết sức thận trọng, có thể gây tình trạng nhiễm toan lactic rất nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Khuyến cáo mới nhất của Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ 2022, metformin không dùng khi mức lọc cầu thận < 30 ml/phút và cần giảm liều khi mức lọc cầu thận < 45 ml/phút. Người bệnh đái tháo đường cần được khám sức khỏe định kỳ và điều chỉnh phác đồ kiểm soát đường máu phù hợp với từng giai đoạn bệnh.”

Người bệnh đã ổn định sau điều trị
Người bệnh đã ổn định sau điều trị

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện