Theo các chuyên gia y tế, người bị mắc COVID-19 có thể gặp một số vấn đề liên quan đến giọng nói do các nguyên nhân như ho dai dẳng, đặt ống thở, trào ngược dạ dày thực quản…
Dấu hiệu thường gặp như giọng khàn, tiếng nhỏ hơn trước, nói hụt hơi hoặc cần gắng sức hơn để nói, đau khô cổ họng hoặc tằng hắng thường xuyên…
Các nhà khoa học cho biết virus SARS-COV-2 ảnh hưởng đến các mô trong hệ thống hô hấp, trong đó có thanh quản. Điều này giải thích tại sao một số người bị khàn giọng trong thời gian bị nhiễm bệnh.
Thực tế, khàn giọng, mất giọng không phải chỉ là triệu chứng đặc trưng của Covid-19 mà có thể là một biến chứng chung của nhiều bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Đây có thể là kết quả của tình trạng viêm dây thanh âm hoặc chảy dịch mũi sau, dẫn đến những thay đổi trong giọng nói.
Phải làm gì khi bị khàn giọng, mất giọng?
– Để cải thiện chứng khàn giọng, mất giọng khi bị COVID-19, người bệnh cần uống đủ từ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày để chăm sóc giọng. Nếu bị trào ngược dạ dày thực quản, khi ngủ nên kê đầu giường cao hơn 30 độ.
– Khi cần gọi lớn, thay vì ra sức gọi như thông thường, mọi người có thể dùng các đồ vật tạo âm thanh hoặc viết chữ, nhắn tin, cử chỉ để thông báo; hạn chế hắng giọng liên tục. Để giảm cảm giác ngứa họng, thực hiện động tác nuốt và ngáp.
– Bên cạnh đó, người bị thay đổi giọng nói do di chứng COVID-19 cũng nên tránh đồ uống có ga, đồ uống có cồn hoặc caffein. Kiêng các thức ăn nhiều gia vị: chua, cay, thức ăn nhiều dầu mỡ.
– Nếu cảm nhận được tình trạng giọng không có sự cải thiện, tốt nhất người bệnh cần liên hệ sớm với bác sĩ tai mũi họng để thăm khám.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống