Với mục tiêu cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế các dấu hiệu nhận biết và cách xử trí đột quỵ não cấp, giúp người bệnh đột quỵ não được điều trị sớm trong giờ vàng, ngày 26/9/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ phối hợp với chương trình Angels – Công ty Boehringer Ingelheim tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ trước viện” với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực cấp cứu đột quỵ.
Tham dự chương trình có GS. TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, TS. BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hải – Đại diện Chương trình Angels tại Việt Nam.
Về phía Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có BS CKII Lê Đình Thanh Sơn – Giám đốc Bệnh viện, BS CKII Lê Na – Phó Giám đốc Bệnh viện, BS CKII Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ; cùng đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế các khoa lâm sàng hệ nội của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, đại diện Bệnh viện Y dược cổ truyền & PHCN, Trung tâm Y tế thành phố Việt Trì, các trạm y tế và các phòng khám trên địa bàn thành phố.
Đột quỵ (hay tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên thế giới. Theo thống kê, cứ mỗi 30 phút, 1 bệnh nhân đột quỵ có thể cứu được lại bị chết hoặc tàn phế bởi họ được đưa vào điều trị tại bệnh viện không phù hợp. Việc phát hiện và can thiệp sớm trong thời gian vàng (3 – 4,5 giờ đầu sau khi khởi phát triệu chứng) là yếu tố then chốt quyết định khả năng hồi phục của người bệnh.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người bệnh đột quỵ tại Việt Nam chưa được cấp cứu kịp thời do thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các hệ thống y tế, đặc biệt là trong giai đoạn trước viện. Việc xây dựng một hệ thống cấp cứu đồng bộ và hiệu quả ngay từ khi người bệnh có triệu chứng đến khi nhập viện sẽ giúp tăng đáng kể khả năng cứu sống cũng như giảm thiểu di chứng.
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia khách mời đã trình bày nội dung về:
– Đánh giá ban đầu, vận chuyển & tiếp nhận người bệnh đột quỵ não cấp tính – GS. TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam.
– Một số đề xuất xây dựng hệ thống cấp cứu ngoại viện – TS. BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
– Thực trạng cấp cứu trước viện Đột quỵ não cấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ – BS CKII Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Phát biểu tại chương trình, GS. TS Nguyễn Văn Thông – Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, chia sẻ: “Mặc dù ngành Y tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ, nhưng hệ thống cấp cứu trước viện vẫn còn nhiều hạn chế. Một hệ thống cấp cứu hoàn thiện cần sự phối hợp nhịp nhàng từ y tế cộng đồng, hệ thống xe cứu thương, và các bệnh viện chuyên khoa để đảm bảo người bệnh đột quỵ được tiếp cận điều trị nhanh nhất có thể.”
TS. BS Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Một hệ thống cấp cứu đột quỵ hiệu quả sẽ giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và di chứng do đột quỵ. Quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cộng đồng và sự phối hợp giữa các cấp cứu tại hiện trường với đơn vị y tế chuyên môn.”
Hội thảo cũng đề xuất một số giải pháp quan trọng để cải thiện hệ thống cấp cứu đột quỵ trước viện:
– Thiết lập mạng lưới cấp cứu đột quỵ với sự tham gia của các tuyến để đảm bảo người bệnh được tiếp cận và chăm sóc y tế trong thời gian sớm nhất.
– Nâng cao năng lực đào tạo cho đội ngũ y tế tuyến cơ sở nhằm nhận diện sớm các triệu chứng và có biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách.
– Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ.
– Xây dựng quy trình phản ứng nhanh từ khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, điều phối xe cứu thương đến việc lựa chọn cơ sở y tế phù hợp và tối ưu hóa thời gian vận chuyển.
– Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng hệ thống quản lý người bệnh từ xa, theo dõi trực tiếp vị trí xe cấp cứu, kết nối dữ liệu giữa các đơn vị cấp cứu và bệnh viện.
Khép lại hội thảo, BS CKII Lê Đình Thanh Sơn – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khẳng định “Với sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm của ngành Y tế Phú Thọ nói chung, của Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói riêng, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực cấp cứu đột quỵ và phối hợp giữa các tuyến cũng như các cơ sở y tế khác để xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cấp cứu trước viện trong thời gian sớm nhất”.
Hội thảo “Xây dựng hệ thống cấp cứu đột quỵ trước viện” đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với mục tiêu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và tìm ra các giải pháp để tối ưu hóa quy trình cấp cứu đột quỵ trước khi người bệnh nhập viện, chương trình này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người bệnh.
Đây là những bước tiến quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống cấp cứu đột quỵ đồng bộ, hiệu quả, và bền vững, góp phần giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho người bệnh, từ đó giảm thiểu gánh nặng đột quỵ cho cộng đồng, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng một nền y tế hiện đại, nhân văn và hiệu quả hơn.