Hen phế quản là bệnh lý hô hấp mạn tính phổ biến. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể suy hô hấp tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy nguyên nhân của bệnh, cách phòng tránh theo dõi và khám như thế nào?
ĐỊNH NGHĨA
Hen phế quản là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan tỏa cơ trơn phế quản, có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản với các biểu hiện như khò khè khó thở nặng ngực, ho.
Hen phế quản là bệnh phổ biến và có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới cũng như ở Việt Nam.
ĐỐI TƯỢNG DỄ BỊ HEN SUYỄN
- Người có cơ địa dị ứng
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần
- Tiền sử gia đình có bố, mẹ bị hen phế quản
- Người làm việc bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm như hóa chất, khói bụi thuốc lá
- Người thừa cân, béo phì
- Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về da hô hấp…
NGUYÊN NHÂN
Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản, một số tác nhân phổ biến như:
- Khói thuốc lá, thuốc lào, khói đốt hương nhang, nến
- Khói bếp than, bếp củi, khói do đốt gỗ, rơm, cỏ…
- Ô nhiễm không khí: ô nhiễm từ nhà máy, xe cộ…
- Thú nuôi: tiếp xúc với lông thú nuôi như chó, mèo, chim.
- Mạt bụi, nấm mốc trong nhà, gián hoặc côn trùng khác
- Nhiễm trùng do cảm cúm, cảm lạnh, vi khuẩn, virus…
- Do thuốc: aspirin, NSAID…chất bảo quản thực phẩm
- Do thức ăn
- Do trào ngược dạ dày thực quản
- Do cảm xúc mạnh như lo lắng, buồn, stress…
TRIỆU CHỨNG CỦA HEN PHẾ QUẢN
Mỗi bệnh nhân sẽ có biểu hiện hen khác nhau và triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm với các bệnh lý hô hấp khác như COPD, giãn phế quản.
Cơn hen điển hình gồm: khó thở cơn chậm, có tiếng cò cử, thường xảy ra ban đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Một số triệu chứng báo hiệu bệnh như hắt hơi, sổ mũi, đau tức ngực, ho khan, cơn nặng hơn phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục. Gần hết cơn khó thở giảm dần và ho khạc đờm trong dính quánh.
Các triệu chứng khác: ho dai dẳng tăng về đêm, khó thở, tức nặng ngực, thở khò khè, mất ngủ…
BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH HEN SUYỄN
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ mắc các biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng như:
- Khí phế thũng, tâm phế mạn tính
- Biến dạng lồng ngực hay mắc suy hô hấp mạn tính
- Xẹp phổi
- Tràn khí màng phổi
- Biến chứng của điều trị: dùng Corticoid kéo dài gây hội chứng cushing
ĐIỀU TRỊ
Ngăn ngừa đợt cấp và kiểm soát triệu chứng là mục tiêu trong điều trị hen suyễn, bao gồm:
- Thuốc: cần điều trị bằng thuốc kiểm soát hen theo hướng dẫn của Bác sĩ. Người mắc bệnh hen suyễn nên chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn hen, phòng ngừa trường hợp lên cơn hen bất ngờ, không kịp xử trí.
- Tránh các yếu tố nguy cơ, thực hiện tốt việc phòng và điều trị bệnh đồng mắc.
- Đọc kỹ chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.
- Người bệnh được trang bị kiến thức về bệnh hen phế quản, biết sử dụng các dụng cụ phun hít một cách hiệu quả.
- Tái khám theo lịch
PHÒNG BỆNH
- Cai thuốc lá, thuốc lào.
- Tránh các yếu tố nguy cơ khởi phát bệnh như khói thuốc, khói than củi, tránh lạnh bụi ẩm, tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác như lông thú nuôi, mạt nhà, phấn hoa, ẩm mốc…
- Tránh ô nhiễm không khí trong và ngoài nhà: vệ sinh nhà cửa thường xuyên, vệ sinh chăn ga đệm…
- Tránh các loại thức ăn gây dị ứng: nhộng, tằm, lạc, bia rượu…Ăn nhiều rau xanh, trái cây giàu vitamin C…
- Tránh các loại thuốc có nguy cơ khởi phát cơn hen: NSAID, thuốc chẹn beta…
- Tập luyện thể dục nâng cao thể lực, tuy nhiên cần tránh tập khi trời lạnh hoặc quá sức của bản thân.
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
- Tuân thủ thuốc điều trị và dự phòng của Bác sỹ, tái khám định kỳ tại phòng khám quản lý hen và COPD.
- Tiêm vắc xin phòng cúm, phòng phế cầu, tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tóm lại, hen phế quản là một bệnh viêm đường hô hấp mạn tính, được khởi phát bởi các yếu tố kích thích (các tác nhân dị ứng). Hen phế quản không lây từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc kiểm soát tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa _ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú THọ
.