Tại Việt Nam, tai nạn giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích nghiêm trọng. Giờ đầu tiên ngay sau tai nạn giao thông được coi là “Giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Nếu được sơ cứu, cấp cứu đúng cách và kịp thời ngay tại chỗ khi gặp tai nạn giao thông, nạn nhân có thể tránh được nguy cơ tử vong hoặc các di chứng nặng nề.
Cấp cứu sớm – Giảm thiểu tỷ lệ tử vong và thương tật
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, việc sơ cứu kịp thời ngay tại hiện trường có thể cứu sống nhiều nạn nhân. Các nguyên nhân tử vong phổ biến trong những giờ đầu sau tai nạn bao gồm tắc nghẽn đường thở, mất máu quá nhiều, suy hô hấp… đều có thể xử trí được nếu được sơ cứu đúng cách.
Vì vậy, để hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật do tai nạn, cần tập trung tổ chức tốt cấp cứu ban đầu. Việc chủ động trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cơ bản sẽ giúp bạn có thể chủ động hỗ trợ nạn nhân trong những tình huống khẩn cấp, trước khi lực lượng y tế có mặt.
Các bước quan trọng trong sơ cứu tai nạn giao thông
Ảnh minh họa: Các bước sơ cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông
Bước 1: Nhanh chóng tiếp cận hiện trường và xem xét nạn nhân
Khi xảy ra tai nạn giao thông, cần nhanh chóng tiếp cận hiện trường và đánh giá tình huống để đảm bảo an toàn cho bản thân và nạn nhân. Trước hết, kiểm tra xem có nguy cơ cháy nổ từ phương tiện hay không, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm trước khi tiến hành sơ cứu.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể của nạn nhân để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nếu cần, hãy sử dụng găng tay hoặc túi bóng sạch khi tiếp xúc.
Nếu hiện trường không an toàn: Phối hợp với mọi người xung quanh di chuyển nạn nhân ra khu vực an toàn. Nếu hiện trường an toàn: Tạm thời không di chuyển nạn nhân.
Nắm bắt nhanh số lượng nạn nhân, có bệnh nhân nào nguy kịch không.
Gọi cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất, cung cấp thông tin về địa điểm, số lượng và tình trạng nạn nhân. Kêu gọi sự giúp đỡ từ những người xung quanh để hỗ trợ quá trình cứu hộ.
Bước 2: Đảm bảo an toàn cho nạn nhân
Sơ cứu nạn nhân theo trình tự A, B, C, D, E. Trong đó:
- Đường thở (A – Airway):
Trước hết cần nhận biết nạn nhân thở bình thường hay không, có tắc nghẽn đường thở không. Nếu đường thở tắc nghẽn cần mở miệng kiểm tra xem có đờm dãi, dị vật thì phải móc lấy sạch. Nếu có tụt lưỡi cần tiến hành kéo lưỡi, nâng cằm, đẩy hàm, giữ cho đường thở thẳng trục, đảm bảo thông khí.
- Hô hấp (B – Breathing):
Nếu nạn nhân tím tái, bất tỉnh, các động tác hô hấp ngừng hoàn toàn, lồng ngực hoặc thành bụng bất động, phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo miệng – miệng hoặc miệng – mũi.
Kỹ thuật hô hấp nhân tạo: Người cấp cứu dùng 1 tay bóp kín 2 mũi nạn nhân, tay còn lại đẩy cằm nạn nhân để miệng hé ra, sau đó người cấp cứu hít một hơi thật mạnh, áp sát miệng mình vào miệng nạn nhân, thổi vào trong 1s, đủ làm ngực phồng lên nhìn thấy được, tần số thổi ngạt là 10-12 lần/ phút với người lớn, 12-20 lần/ phút với trẻ nhỏ.
- Tuần hoàn (C – Circulation):
Trường hợp bệnh nhân bất tỉnh, tím tái, dùng 3 ngón tay kiểm tra mạch ở cổ, mạch ở bẹn, nếu không bắt được cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực phối hợp với hô hấp nhân tạo ngay. Tần số ép tim và hô hấp nhân tạo là 30/2, sau 30 lần ép tim thì sẽ thổi ngạt 2 lần.
Kỹ thuật ép tim ngoài lồng ngực: vị trí ép tim: ½ dưới xương ức, đặt gốc bàn tay lên vị trí ép tim, hai bàn tay chồng lên nhau, hai cánh tay duỗi thẳng làm thành một góc 90 độ so với lồng ngực, lực ép từ 2 vai xuống, độ lún ít nhất 5cm, tần số ít nhất 100 lần/ phút nhưng cũng không nên quá 120 lần/ phút.
- Thần kinh (D – Disability):
Kiểm tra xem bệnh nhân có hôn mê hoặc liệt vận động không, nếu hôn mê sâu cần vận chuyển sớm đến cơ sở y tế.
- Bộc lộ (E – Exposure):
Nới lỏng quần áo, kiểm tra một cách hệ thống tránh bỏ sót các tổn thương phối hợp.
Ảnh minh họa: Các bước sơ cứu theo trình tự A,B,C,D,E
Những lưu ý quan trọng khi sơ cứu nạn nhân
Tháo mũ bảo hiểm: Không nên thực hiện tại hiện trường nếu bệnh nhân không khó thở, không cần can thiệp vào đường thở hoặc hồi sức tim phổi. Trường hợp cần thiết tiến hành an toàn gồm 2 thì gồm tháo mũ và cố định cột sống cổ, cả 2 thì cần 2 người 1 người sau đầu và 1 người bên đầu phối hợp thực hiện.
Luôn nhớ bất động cột sống cho các trường hợp chấn thương. Nếu nghi ngờ tổn thương cột sống: Buộc cố định ngực, cánh chậu, 2 gối, 2 cổ chân vào cáng hoặc ván cứng, chèn 2 túi cát bên cổ.
Không rút dị vật nếu chúng đâm vào cơ thể, vì có thể làm máu chảy nhiều hơn. Nên băng quanh chân dị vật để cố định dị vật hạn chế làm tổn thương thêm cơ quan.
Nếu có vết thương chảy máu nhiều, hoặc đứt các mạch máu làm máu phun thành tia, cần lập tức băng ép hoặc garo cầm máu. Garo cần được nới lỏng mỗi 45 phút để tránh thiếu máu.
Khi xác định được chi gãy cần bất động ngay để ngăn ngừa tổn thương thêm phần mềm do đầu xương sắc gây ra, làm giảm đau và ngăn ngừa nguy cơ gãy hở do đầu xương có thể chọc thủng da. Lưu ý khi nẹp bất động chi: không nắn lại xương, không ấn xương chồi.
Không bế xốc hay bế gập nạn nhân, mà cần có ít nhất hai đến ba người nâng lên ván cứng để di chuyển.
Không nâng đầu nạn nhân lên quá cao, tránh làm tổn thương cột sống cổ.
Không di chuyển nạn nhân bằng xe đạp hay xe máy vì có thể làm tổn thương cột sống, gây nguy cơ tử vong.
Phần chi thể đứt rời: Rửa sạch bằng nước muối sinh lý vô khuẩn, quấn gạc tẩm nước muối sinh lý vô khuẩn, bỏ vào túi nilon sạch, dán kín, bỏ toàn bộ túi nilon vào chậu nước đá, chuyển ghép nối chi.
Thực hiện sơ cứu, cấp cứu tai nạn giao thông đúng cách sẽ giúp giảm tổn thương và tăng khả năng hồi phục sức khỏe cho nạn nhân. Mỗi người dân cần trang bị kỹ năng sơ cứu cơ bản để có thể cứu giúp bản thân và những người xung quanh trong các tình huống khẩn cấp.
Trong trường hợp cần hỗ trợ y tế, người dân vui lòng liên hệ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ qua số hotline (tiếp nhận 24/24h): 1800 888 989
Bệnh viện luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu và phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn để đảm bảo cấp cứu nhanh chóng, giảm thiểu tối đa rủi ro và di chứng cho nạn nhân.
Tác giả: BS. Bùi Thị Thương
Cộng sự: Thu Hằng