Có thể nói, trong cuộc sống, hạnh phúc là đích đến của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc và ước muốn mình được hạnh phúc. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đã và đang chung tay thực hiện mục tiêu hạnh phúc, nhằm tạo nên sự hài hòa trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia, để đảm tất cả mọi người có một tương lai bền vững. Việc Liên Hợp Quốc công nhận “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” (ngày 20 tháng 3) chính là bước đi cụ thể để các quốc gia sống thân ái, hòa bình với nhau, cùng tạo dựng một thế giới hạnh phúc.
Lịch sử và ý nghĩa của Ngày Quốc tế Hạnh phúc
Ngày Quốc tế hạnh phúc được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc từ tháng 6 năm 2012. Từ đó đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, cùng nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng một xã hội công bằng, phát triển vững bền, đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, một quốc gia nhỏ bé ở khu vực Nam Á, nằm sâu trong lục địa phía Đông của dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân mỗi quốc gia.
Trong cuộc họp phát động Ngày Hạnh phúc Thế giới, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon đã phát biểu: “Chúng ta cần một mô hình kinh tế mới nhận diện được tầm quan trọng của ba yếu tố tối cần thiết cho sự phát triển bền vững. Ba yếu tố đó bao gồm: Xã hội – Kinh tế – Môi trường. Nếu làm được cả 3 điều này, chúng ta sẽ có một thế giới hạnh phúc”.
Bhutan – một quốc gia có chỉ số hạnh phúc khá cao đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay vì tổng sản phẩm quốc nội.
Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, liên kết, đoàn kết toàn nhân loại. Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn là vì đây là một ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau – là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ. Cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực… Vì vậy, ngày 20/3 – Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp rằng: Cân bằng và hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
“Đối với mỗi người khác nhau, hạnh phúc có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải công nhận rằng, hạnh phúc nghĩa là làm việc để chấm dứt xung đột, nghèo đói và các điều kiện không may mắn khác mà rất nhiều đồng loại của chúng ta hiện đang phải sống trong các điều kiện đó. Hạnh phúc không phải là những điều phù phiếm, cũng không phải là điều gì xa xỉ. Hạnh phúc là khát khao sâu xa của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Hạnh phúc không từ chối một ai và phải là của tất cả mọi người. Khát vọng này ẩn chứa trong cam kết của Hiến chương Liên Hợp Quốc để thúc đẩy hòa bình, công bằng, nhân quyền, tiến bộ xã hội và mức sống được cải thiện”
Tại Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hướng tới hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời đến nay, “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. “Độc lập là tiền đề của tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tự do, hạnh phúc của nhân dân là thước đo giá trị và là mục tiêu của độc lập dân tộc. Hạnh phúc của nhân dân chỉ trọn vẹn khi là công dân của một nước độc lập và có đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, đời sống tinh thần lành mạnh. Nhân dân phải là người chủ thực thụ của đất nước. Mọi người dân đều có điều kiện để phát triển toàn diện, hướng tới chân, thiện, mỹ. Đó luôn là mục tiêu, là động lực để chúng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam là để cùng cả thế giới biểu thị mong muốn, niềm tin và quyết tâm phấn đấu vì một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo; vì một thế giới phát triển thịnh vượng và bền vững; một thế giới mà tất cả mọi người dù khác màu da, dân tộc, tôn giáo đều được hưởng trọn vẹn hạnh phúc. Để Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp, chúng ta hãy cùng nhau chung sức, đồng lòng, trách nhiệm, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó đặc biệt quan tâm tới các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tới các đối tượng chính sách dễ bị tổn thương. Hãy cùng nhau kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam. Hãy yêu thương và chia sẻ để tìm thấy cho mình và giúp những người quanh ta, trước hết là gia đình, là những người thân có nhiều giây phút hạnh phúc đích thực!
Sưu tầm: http://tcdcpl.moj.gov.vn