5 lưu ý quan trọng để phòng ngừa sốt xuất huyết trong mùa mưa lũ

Môi trường ẩm ướt, ô nhiễm trong mùa mưa lũ là điều kiện lý tưởng cho muỗi phát triển, khiến bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát và lây lan trên diện rộng. Hãy cùng tìm hiểu 5 lưu ý quan trọng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa lũ.

Cách muỗi vằn lây lan bệnh sốt xuất huyết
Cách muỗi vằn lây lan bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết (SXH) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dengue gây ra và được truyền qua muỗi vằn (Aedes aegypti). Vào mùa mưa lũ, muỗi vằn thường có điều kiện sinh sôi phát triển mạnh do nước lũ dâng cao gây ô nhiễm môi trường, xác chết động thực vật trôi nổi, nước đọng lâu không được dọn dẹp lau khô, cây cối đổ gãy, những khu tập kết rác thải không được xử lý kịp thời…

Những nơi trú ẩn và sinh sôi của muỗi vằn
Những nơi trú ẩn và sinh sôi của muỗi vằn

5 lưu ý quan trọng để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa lũ

Phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa lũ có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và kiểm soát dịch bệnh. Dưới đây là 5 nguyên tắc không thể bỏ qua để phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa lũ:

Các biện pháp cơ bản phòng chống bệnh sốt xuất huyết
Các biện pháp cơ bản phòng chống bệnh sốt xuất huyết

1.  Xử lý rác thải đúng cách

  • Đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh bằng cách khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước tù, nước đọng, xử lý rác và chất thải đúng cách và đúng nơi quy định để loại bỏ môi trường phát triển của muỗi, lăng quăng …
  • Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

2.  Vệ sinh và dọn dẹp

  • Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo, mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ để làm nơi trú ẩn cho muỗi.
  • Dọn dẹp khu vực xung quanh: Làm sạch sân vườn, phát quang bụi rậm, loại bỏ cây cối đổ gãy, các vật dụng hư hỏng hoặc không cần thiết để muỗi không còn nơi trú ngụ, sinh sản.

3. Các biện pháp bảo vệ cá nhân

  • Khi ngủ cần mắc màn hoặc sử dụng các thiết bị diệt muỗi trong nhà.
  • Khi dọn dẹp nhà cửa, vườn tược sau lũ nên mặc quần áo dài tay để giảm bề mặt da tiếp xúc với muỗi.
  • Sử dụng kem chống muỗi thường xuyên (nếu có)

4.  Phối hợp với địa phương phun hóa chất phòng dịch

Sau lũ, các địa phương thường tổ chức phun hóa chất phòng dịch để tiêu diệt muỗi cũng như các sinh vật có thể gây hại cho sức khỏe con người. Vì vậy, người dân cần phối hợp với địa phương trong suốt quá trình phun hóa chất phòng dịch: Sử dụng các sản phẩm tiêu diệt ấu trùng muỗi (như viên diệt lăng quăng) tại những khu vực ẩm ướt, khó vệ sinh.

Lúc phun thuốc, người dân nên thu dọn thực phẩm, đóng kín các cửa sổ và lỗ thông gió để muỗi được tiêu diệt hiệu quả. Bên cạnh đó, cần rời khỏi nhà trong 30 phút – 1 tiếng để tránh hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe.

5. Phát hiện và điều trị sớm

Khi có những triệu chứng nghi ngờ như sốt cao đột ngột, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau khớp, nổi phát ban và chảy máu nhẹ, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời. Điều trị sớm giúp giảm nguy cơ biến chứng và tăng khả năng hồi phục.

Việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết đòi hỏi sự phối hợp của cả cộng đồng và chính quyền địa phương. Bằng cách thực hiện những biện pháp trên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Người dân cần tư vấn sức khỏe xin vui lòng liên hệ:

Tổng đài Chăm sóc khách hàng (Miễn phí): 1800 888989

Fanpage/Zalo: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Website: Benhviendakhoatinhphutho.vn

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật