Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vì nước, vì dân đến hơi thở cuối cùng

“Cho đến sáng 13/7 vừa rồi, bác vẫn nghe báo cáo công việc. Tối 13, bệnh trở nặng không làm việc được nữa, chúng tôi phải đặt máy thở cho bác. Bác đã làm việc đến tận giờ phút cuối cùng”, PGS.TS Nguyễn Phương Đông, nguyên Chủ nhiệm khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), bác sĩ riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xúc động kể lại.

Tận hiến
Những ngày sau đó, dù sức khỏe yếu hơn nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn cố gắng làm việc vì mọi người vẫn đến báo cáo công việc và trao đổi cả sáng lẫn chiều, bác luôn trả lời câu hỏi của mọi người. Mặc dù vậy các bác sĩ chỉ cho thời gian ngắn để Tổng Bí thư tiếp xúc với mọi người.

“Khi cho bác thở máy ai cũng hy vọng bác vượt qua, dù tiên lượng không tốt. Ai cũng làm hết sức và làm tất cả những biện pháp tốt nhất để bác phục hồi. Nhưng đến ngày cuối cùng là ngày 18 thì tiên lượng bác không vượt qua được, mọi người rất buồn. Ở đây không nói về bác với vai trò lãnh đạo cấp cao mà về tình cảm, mọi người coi bác như là người bác, người anh, người nhà. Chúng tôi thấy rất buồn, trống vắng, hụt hẫng, tiếc thương như mất đi điều gì đó thiêng liêng không thể tả nổi”, bác sĩ Đông tâm sự.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Giường bệnh, nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong kí ức của những người hằng ngày gắn bó với Tổng Bí thư ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ông luôn quan tâm, chu đáo với những người xung quanh. Nhớ những lần đi công tác xa về hoặc lâu ngày không gặp, Tổng Bí thư luôn hỏi han ân cần. Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xoa, Khoa Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, một trong những người lo bữa ăn hằng ngày cho Tổng Bí thư chia sẻ: “Kỉ niệm với bác Trọng thì nhiều, nhưng ấn tượng với tôi là bác luôn quan tâm mọi người. Dù bận rất nhiều công việc nhưng ngày 8/3 năm ngoái, khi tạm biệt Khoa về nơi làm việc, Tổng Bí thư đã tận tay tặng mỗi nhân viên nữ một bông hoa hồng rất đẹp. Bác là lãnh đạo cao nhất của Đảng nhưng có những quan tâm rất riêng đối với cán bộ nữ khiến chị em chúng tôi rất cảm động và trân quý”, chị Xoa tâm sự.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với các cán bộ, nhân viên y tế nơi đây là sức làm việc bền bỉ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù nhiều lúc mệt mỏi nhưng ông vẫn làm việc rất khoa học, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi. “Bác ở trong này có lịch làm việc rất là cụ thể, rõ ràng. Ví dụ ngày hôm nay tiếp ai và công việc gì bác có lịch hết. Buổi sáng hằng ngày có các đồng chí là thư kí, trợ lí, chánh văn phòng đến báo cáo công việc. Sau đó bác sẽ sắp xếp lịch như trong tuần tới sẽ gặp ai, làm việc gì. Giai đoạn đầu bác vẫn còn khỏe thì đều đề ra lịch: từ 8h – 9h là làm việc, từ 10h – 11h ngồi đọc sách, tài liệu và viết. Buổi chiều khoảng 2h30 – 3h30 đọc tài liệu. Mặc dù bác vào trong này điều trị nhưng vẫn duy trì lịch làm việc khá đều đặn. Có những hôm bác quá mệt thì không thực hiện đúng. Còn đa số bác thực hiện rất đúng, nỗ lực làm việc đến những ngày cuối cùng”, TS Đông nhớ lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Thiếu tá, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng lặng đi bên bàn làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phòng bệnh.

“Tôi hay đi công tác với bác, sau khi bác đi công tác ở các tỉnh về, bác rất vui. Bác cũng cẩn thận hay hỏi chuyến đi công tác thế nào, có ai có ý kiến gì không. Chúng tôi thấy các địa phương muốn bác đến, chỉ đạo cho địa phương những cái cụ thể, rồi tình cảm bác để lại cho người dân rất lớn, dân rất quý. Bác vui lắm và bảo sẽ cố gắng, nếu sức khỏe cho phép sẽ đi công tác nhiều tỉnh hơn”, ông Đông kể.

“Ấn tượng nhất với tôi là sự giản dị của Tổng Bí thư. Mọi người đều biết Tổng Bí thư là người đơn giản, không cầu kì trong trang phục. Tổng Bí thư thường nói ưa sự đơn giản, mặc đồ cần thoải mái. Nhưng khi tiếp khách quốc tế hoặc những sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư luôn cẩn thận, chỉn chu” – PGS.TS Nguyễn Phương Đông, bác sĩ riêng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Hiền hậu

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đối xử chân thành như người thân với các bác sĩ và điều dưỡng. Biết bác sĩ Đông từng học ở Nga về, thỉnh thoảng Tổng Bí thư hỏi “chú Đông còn nhớ tiếng Nga không, từ này, tiếng Nga nói thế nào”. “Nhiều khi bác nói một vài câu tiếng Nga cho tôi nhớ. Bác thích hát một số bài hát về tiếng Nga. Đôi khi do không nhớ lời, tôi chỉ hát được vài câu, Tổng Bí thư rất thích”, TS Đông nói.

Vài ngày sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, trong câu chuyện với chúng tôi, giọng chị Nguyễn Thị Xoa vẫn nghẹn ngào. Nhiều năm qua, chị là một trong những người lo từng bữa ăn cho Tổng Bí thư, vậy mà giờ đây công việc quen thuộc ấy không còn nữa. Căn phòng, chiếc bàn ăn mỗi ngày Tổng Bí thư dùng bữa giờ đây trống trải. Tổng Bí thư đã về với cõi lành, để lại một khoảng trống không dễ bù đắp cho những người ở lại. Chị Xoa bảo vẫn đâu đây như giọng nói của Tổng Bí thư trả lời câu hỏi của chị “Sáng mai bác muốn ăn gì ạ?”. Luôn là giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp và kèm theo tiếng cười: “Cho bác ăn mì tôm, cho nhanh”. “Bác ăn uống rất đơn giản, ăn theo chế độ bệnh lí. Tôi và cô Tám lo sức khỏe của bác luôn muốn đổi thực đơn cho phù hợp, hỏi hôm nay bác muốn ăn gì, bác chỉ cười hiền: “Các cô cho tôi ăn gì cũng được”. Nhưng có món sở trường của bác, luôn muốn ăn đó là mì tôm. Nhưng vì điều kiện sức khỏe chúng tôi không cho bác được ăn nhiều”, chị Xoa nhớ lại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Điều dưỡng Nguyễn Thị Xoa nấu ăn cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thi thoảng mấy chị em lại nấu phở Hà Nội để Tổng Bí thư ăn đổi món. Những lúc ấy ông vui lắm. Vừa rửa chồng bát, chị Xoa vừa kể: “Có hôm thấy chúng tôi mang phở vào phòng, bác cười tươi, còn trêu: “Hôm nay có phở bà Tám, cô Xoa đây rồi”. Chúng tôi luôn hỏi hôm nay bác ăn ngon miệng không, hợp khẩu vị không. Hôm nào dùng hết khẩu phần, bác nói: “Ngon lắm!” Còn hôm nào mệt quá, ăn chưa hết, bác cười bảo: “Bác no rồi, bác ăn thế thôi. Bụng của bác hôm nay chỉ chứa được thế thôi!”.

“Tổng Bí thư luôn tuân thủ y lệnh điều trị của bác sĩ. Trong thời gian điều trị, bác giữ tinh thần lạc quan, hóm hỉnh. Khi bác sĩ xin phép được thực hiện các thủ thuật, Tổng Bí thư luôn cười tươi nói: Tuân chỉ. Có những ngày bác rất mệt nhưng vẫn tập từng bước theo hành lang, rồi đến bàn đọc sách. Bác đã truyền sang chúng tôi tinh thần dù có khó khăn cần nỗ lực vượt qua” – Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Gần gũi với Tổng Bí thư nhiều năm, bác sĩ Đông ít nhiều hiểu được sở thích của ông. “Bác cứ nói đùa bảo: “Tôi người nhà quê”. Bác thích ăn những món gọi là quê. Thứ nhất đó là bánh cuốn, thứ hai là canh cua, cà. Đấy là những món bác thích ăn. Nhưng chúng tôi không chọn do điều kiện sức khỏe của bác”, bác sĩ Đông nói.

Là điều dưỡng vinh dự được trực tiếp chăm sóc Tổng Bí thư trong khoảng 4-5 năm qua, Thiếu tá, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Hồng tâm sự: “Những gì bác để lại ấn tượng cho chúng tôi là tấm gương giản dị, mộc mạc, chân thành, rất quan tâm đến đời sống anh chị em trong khoa. Khi gặp chúng tôi, Tổng Bí thư luôn hỏi han xem con cái chúng tôi đi học thế nào, các cháu bao tuổi, có khó khăn gì không. Những lúc bác ngồi ngắm sông và đi bộ ngoài hành lang của khoa, bác luôn nói chuyện vui vẻ. Bác gắn bó với chúng tôi như gia đình, bác như người cha, người chú, luôn thông cảm với sự vất vả của y, bác sĩ. Chúng tôi ở bên cạnh bác, học tập ở bác sự hiền hậu, tận tụy với công việc”.

Hướng đôi mắt về căn phòng quen thuộc, điều dưỡng Hồng nghẹn ngào nói: “Ngay cả khi bác rời xa căn phòng này, khi chúng tôi trở lại đây vào ngày hôm sau, đôi mắt chúng tôi vẫn hướng về phòng bác. Những thói quen sinh hoạt hằng ngày, những hoạt động chăm sóc bác mỗi ngày vẫn hiện hữu trong tâm trí mỗi người. Bác đã để lại cho chúng tôi rất nhiều tình cảm thương yêu và một tấm gương rất cao cả của người chiến sĩ cách mạng”.

Nguồn: Tiền Phong

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật