Túi mật là cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa, có nhiệm vụ lưu trữ và giải phóng dịch mật để hỗ trợ tiêu hóa chất béo. Khi ống dẫn mật bị tắc, dịch mật không thể thoát ra ngoài, dẫn đến viêm túi mật. Ngoài ra, vi khuẩn hoặc tổn thương trong hệ thống mật cũng có thể gây ra tình trạng này. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm túi mật có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Viêm túi mật có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời
Nguyên nhân gây viêm túi mật
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm túi mật, phổ biến nhất là do sỏi mật. Tuy nhiên, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng này:
Viêm túi mật cấp tính do sỏi
Viêm túi mật cấp tính do sỏi chiếm khoảng 90% các trường hợp. Khi sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật, dịch mật không thể lưu thông bình thường, dẫn đến viêm và có thể gây tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh thường có triệu chứng như đau bụng dữ dội, buồn nôn, sốt và cảm giác đau lan ra sau lưng hoặc lên vai.
Viêm túi mật không do sỏi
Một số trường hợp viêm túi mật không có sự hiện diện của sỏi mật. Nguyên nhân có thể là do:
- Nhiễm khuẩn từ vi khuẩn đường tiêu hóa
- Tắc nghẽn ống mật do khối u hoặc viêm tụy
- Thiếu máu cung cấp đến túi mật do bệnh mạch máu
- Chấn thương nặng, phẫu thuật lớn, hoặc nhiễm trùng nặng
- Các bệnh lý ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch như tiểu đường, HIV
- Các tình trạng liên quan đến rối loạn chuyển hóa lipid hoặc béo phì
- Bệnh lý nhiễm trùng huyết hoặc thương hàn.
- Ung thư, xơ hóa hoặc tắc nghẽn ống mật chủ gây cản trở dòng chảy của dịch mật.
- Hẹp cơ vòng Oddi, nhú Vater làm ảnh hưởng đến quá trình tiết mật.
- Chấn thương vùng bụng có thể gây tổn thương túi mật và dẫn đến viêm.
Dấu hiệu viêm túi mật
Viêm túi mật có thể dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác. Do đó, người bệnh cần chú ý và tìm đến bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng sau:
- Đau đột ngột, dữ dội ở vùng hạ sườn phải.
- Cơn đau lan ra lưng hoặc vai phải, tăng lên khi hít thở sâu.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Sốt cao, ớn lạnh.
- Đầy hơi, khó tiêu.
- Da và mắt có màu vàng.
- Phân lỏng, màu nhạt.
Ảnh minh họa: Một số dấu hiệu của viêm túi mật
Biến chứng nguy hiểm của viêm túi mật
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm túi mật cấp có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như:
- Hoại tử và thủng túi mật: Túi mật có thể bị hoại tử hoặc vỡ, gây viêm phúc mạc, chảy máu nội tạng, hình thành lỗ thủng, áp xe hoặc tổn thương lan rộng đến các cơ quan lân cận như gan, tụy và đại tràng, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
- Viêm đường mật cấp và nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn có thể lan từ túi mật vào đường mật, gây viêm và thậm chí là nhiễm trùng huyết, khiến tình trạng bệnh nhân trở nên nghiêm trọng hơn.
- Biến chứng khác: Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn và viêm mủ đường mật, gây tổn thương nghiêm trọng cho hệ tiêu hóa.
Phương pháp điều trị viêm túi mật
Điều trị bằng kháng sinh: Đây là phương pháp chủ đạo nhằm tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả điều trị và hạn chế tình trạng kháng thuốc.
Sử dụng thuốc giảm đau và kháng viêm: Các loại thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen có thể giúp giảm đau và giảm viêm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ hoặc tương tác thuốc không mong muốn.
Truyền dịch và bù nước điện giải: Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể cần được truyền dịch và chất điện giải để duy trì cân bằng nước – muối, hỗ trợ hấp thu dinh dưỡng và giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn.
Phẫu thuật cắt túi mật: Trong các trường hợp viêm túi mật nặng, có biến chứng hoặc tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt túi mật bằng phương pháp nội soi hoặc mổ mở để loại bỏ nguyên nhân gây bệnh.
Phòng ngừa viêm túi mật như thế nào?
Việc thực hiện một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật:
- Hạn chế chất béo: Tránh thực phẩm chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn.
- Ăn thực phẩm tốt cho túi mật: Ưu tiên dầu thực vật, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, rau xanh và trái cây.
Một chế độ ăn hợp lý giúp bảo vệ cơ thể bạn
- Tập thể dục thường xuyên: Giúp duy trì cân nặng hợp lý và hỗ trợ lưu thông dịch mật.
- Giữ vệ sinh và kiểm soát bệnh nhiễm trùng: Sổ giun định kỳ và điều trị tốt các bệnh về đường mật giúp ngăn ngừa viêm túi mật.
Viêm túi mật là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, việc thăm khám định kỳ, phát hiện và xử trí sớm các dấu hiệu bất thường sẽ giúp bạn tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ với cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, đồng bộ, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật chuyên sâu thuộc tuyến Trung ương, cam kết sẽ mang đến cho người bệnh những phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Đừng chủ quan với bất kỳ dấu hiệu khác thường nào về sức khỏe, hãy đến ngay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ để được thăm khám và tư vấn điều trị sớm nhất.
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ Hotline: 1800 888 989
Tác giả: ThS. Trần Thanh Tùng
Cộng sự: Đỗ Hằng