Vận Động Trị Liệu Phục Hồi Chức Năng Sau Đột Quỵ

Vận động trị liệu là một trong những phương pháp phục hồi chức năng hiệu quả cho người bệnh sau đột quỵ.

1. Đột quỵ não là gì? Tại sao lại cần phục hồi chức năng vận động sớm cho người bệnh sau đột quỵ não?

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.
  • Đột quỵ não là các thiếu sót chức năng thần kinh xảy ra đột ngột với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa, các triệu chứng tồn tại quá 24 giờ hoặc tử vong trong vòng 24 giờ và thường do nguyên nhân mạch máu, loại trừ nguyên nhân chấn thương sọ não. Đột quỵ não bao gồm hai thể: Nhồi máu não chiếm 80-85% và xuất huyết não chiếm 15-20%.
  • Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây ra tàn tật và để lại di chứng nặng nề: 1/3 người bệnh đột qụy bị tàn tật và hoàn toàn phụ thuộc, 1/3 phụ thuộc một phần, 50% không hồi phục chức năng tay. Các di chứng do đột quỵ não để lại từ nhẹ đến vừa chiếm tỷ lệ cao là 68,4%, di chứng nặng là 27,6% trong đó di chứng về vận động là chủ yếu chiếm 92,6%. Có từ 1/3 đến 2/3 người bệnh sống sót sau đột quỵ não để lại di chứng tàn tật vĩnh viễn.
  • Do đó, việc phục hồi chức năng vận động sớm cần được đặt ra cấp thiết nhằm làm giảm tối đa các di chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ
Phục hồi chức năng cho người bệnh sau đột quỵ

2. Khái niệm và mục đích của vận động trị liệu

  • Vận động trị liệu là phương pháp trị liệu dùng sự vận động để giúp cho người bệnh mau chóng phục hồi khi bệnh tật ngăn trở họ tiếp tục làm việc, vui chơi và sinh hoạt độc lập vì chức năng bị mất hay giảm.
  • Mục đích của vận động trị liệu:

– Tăng sức mạnh cơ: Sự tập luyện làm tăng sức mạnh cơ được chỉ định đối với những cơ bị teo vì ít hoạt động

– Tăng sức chịu đựng ( Tăng sức bền của cơ ): Bài tập này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn dưỡng bệnh

– Điều hoà vận động: Nguyên tắc của loại bài tập này là các động tác được lập lại nhiều lần cho đến khi đạt được sự thực hiện một cách chính xác. Chương trình tập luyện đặc biệt hữu ích đối với những người bị bệnh rối loạn chức năng tiểu não

– Tăng hay duy trì tầm vận động khớp: Các bài tập này rất hữu ích khi có tình trạng bị giới hạn tầm vận động do bất cứ nguyên nhân nào .Các động tác tập loại bài tập này đặc biệt cần thiết đối với các trường hợp bị liệt hay có nguy cơ co rút.

3. Các bài tập vận động trị liệu cho bệnh nhân sau đột quỵ não

3.1. Bài tập thụ động

  • Là những cử động được thực hiện bởi một lực bên ngoài thông qua dụng cụ hoặc người điều trị mà không có sự co cơ chủ động ở phần thân thể vận động.

3.2. Bài tập chủ động

  • Là bài tập được thực hiện bởi chính lực cơ của người bệnh, được chia làm ba loại:

– Bài tập chủ động có trợ giúp: Là bài tập có dùng lực bên ngoài để hỗ trợ một phần cho bệnh nhân để thực hiện hết tầm vận động

– Bài tập chủ động hoàn toàn (tự do): Là bài tâp được thực hiện bởi chính lực cơ của người bệnh không có sự trợ giúp hay cản trở của bất kỳ lực bên ngoài nào khác trừ trọng lực

– Bài tập có kháng trở (đề kháng): Là bài tập có dùng lực bên ngoài để chống lại sự co cơ của người bệnh.

3.3. Bài tập kéo giãn

  • Là dùng cử động cưỡng bức chủ động (tự người bệnh) hoặc thụ động (tay người điều trị hoặc dụng cụ cơ học), nhằm gia tăng tầm vận động khớp khi có tình trạng giới hạn do giảm hay mất tính đàn hồi của mô mềm .

    Chuyên gia Anh Quốc hỗ trợ người bệnh đột quỵ phục hồi chức năng bằng phương pháp vận động trị liệu
    Chuyên gia Anh Quốc hỗ trợ người bệnh đột quỵ phục hồi chức năng bằng phương pháp vận động trị liệu

4. Thời điểm can thiệp phục hồi chức năng vận động sớm

  • Theo hướng dẫn của Hội đột quỵ thế giới năm 2016:

– Tất cả người bệnh nhập viện vì đột quỵ cấp cần được đánh giá bởi chuyên gia phục hồi chức năng, lý tưởng nhất trong vòng 48 giờ sau khi nhập viện

– Thông thường, không khuyến cáo hoạt động đưa người bệnh ra khỏi giường diễn ra quá sớm (trong vòng 24 giờ sau khi khởi phát đột quỵ), (Trong vòng 24 giờ đầu tiên, nên để cho não được nghỉ ngơi, chỉ nên vận động thụ động cho người bệnh như xoa bóp chi, lăn trở… để tránh huyết khối và tránh tổn thương loét do tỳ đè)

– Vận động sớm có thể phù hợp đối với một số người bệnh đột quỵ cấp nhưng cần đánh giá lâm sàng cẩn thận

– Tất cả người bệnh nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm (trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi đột quỵ khởi phát) nếu không có chống chỉ định.

  • Chống chỉ định vận động sớm bao gồm:

– Người bệnh làm các thủ thuật can thiệp có đâm kim vào động mạch

– Tình trạng nội khoa không ổn định, độ bão hòa oxy thấp

– Gãy hoặc chấn thương chi dưới.

  • Thực tế áp dụng lâm sàng: “Phục hồi chức năng vận động nên được bắt đầu sớm nhất có thể”:
  1. Ngay sau khi người bệnh ổn định.
  2. Sau khi hoàn thành tất cả can thiệp cần thiết trong giai đoạn cấp.
  3. Sau khi không còn nguy cơ nào do vận động có thể xảy ra cho vùng tranh tối tranh sáng.
  4. Khi người bệnh có thể chịu đựng tập luyện trong vòng 30 phút.
  5. Khi chắc chắn rằng người bệnh đã thích hợp để phục hồi chức năng.
  6. Ngay khi người bệnh được chuyển đến trung tâm phục hồi chức năng.

 

5. Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân sau đột quỵ não dễ hay khó?

  •  Dễ là khi:

– Người bệnh được tập phục hồi chức năng kịp thời.

– Sự phối hợp và hỗ trợ tận tâm của các Bác sĩ/Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng với các bài tập phù hợp, khoa học cũng như trị liệu về mặt tâm lí cho người bệnh.

– Có được sự khuyến khích, động viên của người thân trong gia đình trong vấn đề tập luyện, ăn uống và sinh hoạt cho người bệnh.

  •  Khó là khi:

– Đa số người bệnh bị đột quỵ não thường bị rối loạn về tâm lí như trầm cảm nên không cố gắng hoặc từ bỏ tập luyện. Vì vậy, để phục hồi cần đòi hỏi tính kiên trì, ý chí vững vàng, và lạc quan của người bệnh.

– Người bệnh không được tập phục hồi chức năng sớm và toàn diện.

– Người bệnh không từ bỏ các thói quen có thể gây tái phát như: hút thuốc, ăn mặn…

6. Đôi nét về Đơn vị Phục hồi chức năng thần kinh đột quỵ – Trung tâm Đột quỵ

  • Tự hào là một Đơn vị của Trung tâm Đột quỵ đầu tiên trong cả nước hoạt động theo quy trình khép kín, hoàn chỉnh( mô hình của Anh và Hoa Kỳ), Đơn vị Phục hồi chức năng thần kinh Đột quỵ với đội ngũ Bác sĩ – Kĩ thuật viên được đào tạo bài bản,chuyên sâu, cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại và đầy đủ: Robot, oxy cao áp, siêu âm, sóng ngắn, máy điện xung, máy từ trường,… đã đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế chất lượng cao, tốt nhất cho người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các vùng lân cận, với tỉ lệ bệnh nhân cải thiện rất ấn tượng:

– Phục hồi chức năng di chuyển: tỉ lệ bệnh nhân có thể di chuyển độc lập hoặc độc lập với dụng cụ trợ giúp là 80 – 85 % bệnh nhân tuân thủ điều trị.

– Phục hồi chức năng nuốt: tỉ lệ thành công (rút được sonde dạ dày và ăn đường miệng an toàn) là 85 % trong tổng số bệnh nhân có chỉ định điều trị.

– Phục hồi chức năng sinh hoạt: tỉ lệ độc lập đạt 60 – 65 % trong tổng số bệnh nhân có chỉ định điều trị.

  • Khả năng phục hồi chức năng vận động sau Đột quỵ não là ước mơ của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân. Và một vai trò không nhỏ để ước mơ ấy được hiện thực chính là sự tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình với các bài tập, phương pháp trị liệu phù hợp của các Bác sĩ/Kỹ thuật viên chuyên khoa Phục hồi chức năng. Sự phối hợp khăng khít giữa Bệnh nhân – Bác sĩ/Kỹ thuật viên – Người nhà bệnh nhân sẽ đảm bảo khả năng phục hồi cao nhất sau đột quỵ não.
  • Vì vậy, Đơn vị Phục hồi chức năng thần kinh Đột quỵ tin tưởng rằng: “Khi đến với chúng tôi – những thiên thần áo trắng tận tâm, tận lực bệnh nhân sẽ không bị bỏ lại phía sau”

Bác sĩ Vũ Thị Nguyệt – Trung tâm Đột quỵ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện