Viêm phổi ở người cao tuổi, nguyên nhân và cách phòng bệnh

Viêm phổi ở người cao tuổi, nguyên nhân và cách phòng bệnh

Thời điểm giao mùa, thời tiết và độ ẩm không khí thay đổi thất thường nên người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm phổi.

Các bệnh về phổi là một trong những bệnh lý nguy hiểm hàng đầu. Do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nhiều, tuổi tác, các thói quen hút thuốc lá, cùng sự trỗi dậy của các virus gây bệnh đường hô hấp là những nguyên nhân chính gây các bệnh về phổi.

Với trẻ nhỏ, cần đưa đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch. Khi có dấu hiệu bệnh, cần đi khám và thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi, tránh biến chứng.

Viêm phổi là tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ. Viêm phổi có thể xuất hiện tại một vị trí cố định hay một vài vùng. Nguy hiểm hơn là xuất hiện viêm toàn bộ phổi.

  1. Nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi

– Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi thường được chia làm 2 loại là viêm phổi mắc phải tại cộng đồng và viêm phổi mắc phải tại bệnh viện.

1.1 Đối với viêm phổi mắc phải tại cộng đồng:

Khác với viêm phổi ở trẻ em, nguyên nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi chủ yếu là do vi khuẩn, virus, nấm và một số tác nhân khác. Thường gặp nhất là do tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, trực khuẩn gram âm đường ruột…

Ngoài ra, nhiễm các loại virus như virus cúm thông thường, virus gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp (SARS), virus cúm gia cầm, Corona virus cũng đều có thể là nguyên nhân gây viêm phổi nặng.

1.2 Đối với viêm phổi mắc phải tại bệnh viện:

Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện là bệnh lý viêm phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ bao gồm cả các trường hợp viêm phổi trên bệnh nhân thở máy. Trong bệnh viện, sau nhiễm khuẩn tiết niệu và nhiễm khuẩn máu thì phổi là cơ quan dễ bị nhiễm khuẩn nhất.

Viêm phổi mắc phải tại bệnh viện khác nhau giữa từng bệnh viện, thậm chí là từng khoa trong cùng một bệnh viện. Những vi khuẩn chủ yếu gây viêm phổi mắc phải tại bệnh viện bao gồm: vi khuẩn gram dương như Staphylococcus aureus bao gồm cả MRSA, trực khuẩn gram âm đường ruột như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, vi khuẩn gram âm không có nguồn gốc từ đường ruột như Pseudomonas aeruginosa, các vi khuẩn cư trú ở hầu họng của các bệnh nhân mắc bệnh nặng nằm tại bệnh viện.

Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do vi khuẩn gram âm và tụ cầu vàng. Ngoài ra, viêm phổi cũng có thể do phế cầu, thậm chí nguồn nước trong bệnh viện có thể cũng là nguyên nhân làm bùng phát nhiễm trùng do Legionella.

01122021 viem phoi 1

Hình ảnh phổi bình thường và phổi bị viêm.

  1. Vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

Người cao tuổi có rất nhiều các yếu tố nguy cơ đặc thù làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi như:

Hệ thống miễn dịch yếu: Sự lão hóa của hệ thống miễn dịch làm cho người cao tuổi không chống lại được sự tấn công của các vi khuẩn, virus gây bệnh. Người cao tuổi sức khỏe yếu, dinh dưỡng kém…làm cho sức khỏe suy giảm dẫn đến viêm phổi.

Mắc nhiều bệnh lý mạn tính: Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý mạn tính cả toàn thân và đường hô hấp như đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, bệnh lý tim mạch, bệnh gan, thận mạn tính, viêm phế quản mạn, giãn phế quản, COPD, hoặc bị tai biến nằm lâu một chỗ…làm tăng nguy cơ bị viêm phổi.

Sự tác động của các yếu tố có hại: Nghiện thuốc lá, thuốc lào, rượu, bia, khói bụi ô nhiễm môi trường… là các yếu tố thường gặp và là tác nhân thúc đẩy tình trạng viêm phổi ở người cao tuổi.

Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể tìm được nguyên nhân. Có tới 50% trường hợp không tìm được nguyên nhân gây bệnh.

 

  1. Chăm sóc bệnh nhân viêm phổi tại nhà hiệu quả

Cần phải tăng cường lưu thông đường thở, bù nước cho bệnh nhân bằng cách thường xuyên nhắc nhở uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để làm loãng đờm và dễ long đờm, uống nhiều nước còn bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh. Có thể bổ sung nước ép trái cây hoặc sinh tố trái cây cho bệnh nhân.

Điều quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân viêm phổi là cần phải tăng cường lưu thông đường thở cho bệnh nhân. Sự tiết dịch ở đường thở làm cản trở trao đổi, làm tăng nhiễm bẩn đường thở, làm chậm quá trình khỏi bệnh.

Chú ý làm ẩm và nóng không khí hít vào cũng làm loãng đờm và dễ long đờm. Bệnh nhân có thể đeo khẩu trang, hít vào bằng đường mũi rồi thở ra qua miệng, môi khép kín.

Khi ho, người bệnh nên ho ở tư thế ngồi và hơi cúi về phía trước. Đầu gối và hông ở tư thế gấp để cơ bụng mềm và ít căng cơ bụng khi ho. Hít vào chậm qua mũi thở ra qua môi mím. Tránh quá sức khi ho sẽ gây tổn thương cho phổi.

Nên để bệnh nhân bị viêm phổi nằm nghỉ trên giường bệnh để giảm tiêu hao năng lượng, thay đổi tư thế thường xuyên. Cho thuốc giảm ho và giảm đau nếu có chỉ định.

Quan sát và theo dõi thường xuyên thể trạng người bệnh, tình trạng tinh thần. Chú ý tới các dấu hiệu nhiễm khuẩn như: môi khô, lưỡi dơ, mắt trũng, sốt. Khó thở có thể xuất hiện sau vài giờ, tím môi tùy thuộc vào mức độ bệnh, khó thở có thể nặng và diễn tiến xấu.

Để bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều. Cẩn thận với tình trạng bệnh ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn, bởi vì viêm phổi có thể tái phát.

Uống thuốc theo quy định: Luôn uống đúng và đủ các loại thuốc bác sĩ đã kê. Dừng uống thuốc khi chưa hết đơn có thể thể làm vi khuẩn tiếp tục sinh sôi và bệnh viêm phổi sẽ quay lại.

01122021 viem phoi 2

Bác sĩ thăm khám và điều trị bệnh nhân bị viêm phổi cấp tính đang điều trị tại Khoa Nội HH-TH

  1. Chủ động phòng viêm phổi – bệnh đường hô hấp ở người cao tuổi

Khi sức khỏe và hệ miễn dịch suy yếu dần làm cho sự đề kháng tự nhiên ở người cao tuổi giảm đi. Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vaccine ngừa cúm và phế cầu nên được thực hiện đều đặn hàng năm. Người chăm sóc cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vaccine chống viêm phổi.

Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi:

  • Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.
  • Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xức người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.
  • Giữ vệ sinh răng miệng, giữ vệ sinh đường hô hấp trên sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng.
  • Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.
  • Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia.
  • Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.
  • Uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ..

Khoa Nội HH – TH: Với đội ngũ cán bộ trình độ cao và trang thiết bị hiện đại, Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại:

– Nội soi phế quản ống mềm

– Đo chức năng hô hấp tại phòng khám COPD

– Hệ thống oxy tại các phòng bệnh

– Máy siêu âm hỗ trợ chẩn đoán và điều trị

– Nội soi chẩn đoán ung thư sớm đường tiêu hóa

– Nội soi cắt Polyp đường tiêu hóa

Thu Hà

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện