Cận thị là tật khúc xạ mắt gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt, học tập và lao động. Nếu không được kiểm soát kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành cận thị nặng, gây ra các biến chứng nguy hiểm liên quan đến võng mạc và thủy tinh thể, có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng cho thị lực, thậm chí gây mù hoàn toàn ở mắt.
Các biến chứng thường gặp của cận thị nặng
- Bong võng mạc và xuất huyết dịch kính:
Võng mạc là một màng thần kinh mỏng nằm ở phía sau đáy mắt, có vai trò thu nhận ánh sáng và chuyển đổi chúng thành tín hiệu để truyền tới não để được xử lý.
Ở người bị cận thị nặng, trục nhãn cầu kéo dài hơn bình thường, dẫn đến sự co cứng của võng mạc và làm cho vùng chu biên của võng mạc trở nên mỏng dần. Trong thời gian dài, điều này có thể gây rách võng mạc và gây xuất huyết dịch kính trong mắt. Đây là những biến chứng nghiêm trọng, khả năng khôi phục thị lực rất thấp.
- Nhược thị:
Nhược thị là tình trạng mắt bị suy giảm thị lực do não không nhận được đầy đủ hoặc chỉ một phần tín hiệu từ mắt. Nhược thị có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt, do độ khúc xạ cao hoặc sự bất đồng về khúc xạ.
Nếu được phát hiện và điều trị kịp thời (thường ở độ tuổi dưới 6 tuổi), nhược thị có thể được cải thiện, tuy nhiên, nếu trên 6 tuổi, khả năng khôi phục thị lực sẽ khó khăn dù có luyện tập hoặc phẫu thuật.
- Lác (lé):
Lác là tình trạng mắt không nằm ở vị trí cân đối bình thường. Ở người cận thị nặng, sự phối hợp điều tiết của cơ mắt kém, thường dẫn đến lác ngoài hoặc lác xen kẽ ở hai mắt, gây mất thẩm mỹ và giảm thị lực.
Lác mắt có thể xảy ra ở một mắt hoặc cả hai mắt. Trường hợp nhẹ có thể được điều chỉnh bằng cách đeo kính, trong khi các trường hợp nặng hơn có thể cần can thiệp phẫu thuật để khôi phục thị lực và cải thiện thẩm mỹ cho người bệnh.
Bên cạnh những biến chứng đã nêu trên, khi người mắc cận thị gặp các bệnh lý khác như huyết áp cao, tiểu đường, mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ,… cũng có thể xuất hiện các biến chứng khác, làm tăng tình trạng bệnh và có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Một số cách giúp khắc phục tình trạng cận thị
- Thực hiện các bài tập mắt như đảo mắt, nhìn xa, nhìn tập trung và nhắm mắt để cải thiện thị lực, giảm căng thẳng và mỏi mắt.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập và làm việc hàng ngày như: giảm thời gian học và làm việc căng thẳng, làm việc trong môi trường có đủ ánh sáng và ngồi đúng tư thế. Tránh sử dụng thiết bị điện tử trong ít nhất 2 giờ trước khi đi ngủ. Bổ sung các chất dinh dưỡng như Crom, canxi và vitamin A vào thực đơn hàng ngày để nuôi dưỡng mắt.
- Sử dụng kính cận là một giải pháp đơn giản và dễ thực hiện. Để chọn kính cận phù hợp, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.
- Sử dụng kính áp tròng Ortho-K, một loại kính được đeo vào ban đêm để điều chỉnh hình dạng giác mạc. Khi thức dậy và tháo kính ra, giác mạc sẽ trở lại hình dạng bình thường. Phương pháp này giúp khắc phục cận thị suốt cả ngày mà không cần đeo kính liên tục.
- Phẫu thuật cận thị là một phương pháp giúp khắc phục tình trạng mắt mờ mà không cần phụ thuộc vào kính mắt. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, mắt sẽ nhạy cảm hơn với ánh sáng và có nguy cơ tái phát cận thị nếu không tuân thủ sinh hoạt khoa học. Phẫu thuật chỉ được thực hiện cho người trên 18 tuổi, giác mạc đã đủ dày và ổn định độ cận, không mắc tiểu đường, không mang thai, không cho con bú và không có các bệnh lý mắt khác như nhược thị, lác, viêm nhiễm hay bệnh võng mạc.
Số ca cận thị đang gia tăng đáng lo ngại trong những năm gần đây. Nếu bạn có bất kỳ thay đổi nào về tầm nhìn, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực mắt, giúp đảm bảo quá trình khám, chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả cho bạn.
Khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt
Hotline: 1800.888.989