Vừa qua, bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận người bệnh Đinh Thị Ng (36 tuổi) ở Thanh Sơn có biểu hiện đau lưng và tê chân lan xuống chân trái từ khoảng hơn 1 năm nay, các triệu chứng ngày càng tăng lên. Người bệnh vào khám tại Khoa Ngoại Thần kinh, được chẩn đoán bị thoát vị đĩa đệm L4/5 lệch trái nặng, chèn ép rễ thần kinh, và được chỉ định phẫu thuật giải phóng chèn ép.
Ngay sau phẫu thuật người bệnh đã cảm thấy nhẹ nhõm, các triệu chứng đau lưng giảm dần, hết tê chân và được ra viện sau khi ổn định vết mổ.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Khoa Ngoại thần kinh cho biết: “Phẫu thuật nhằm giải phóng chèn ép, lấy bỏ phần đĩa đệm chèn ép, lấy bỏ dây chằng phì đại chèn vào rễ thần kinh là phương pháp giải quyết triệt để tình trạng bệnh lý này.”
Thoát vị đĩa điệm là bệnh gì?
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ dây thần kinh gây đau cột sống. Bất kỳ đoạn cột sống nào cũng có thể bị thoát vị đĩa đệm. Nhưng phổ biến nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và thoát vị đĩa đệm cổ, do các vị trí này chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Nhiều người cho rằng bệnh thoát vị đĩa đệm chỉ gặp phải khi lớn tuổi, xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên thời gian gần đây, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc thoát vị đĩa đệm ngày càng gia tăng. Tình trạng thoái hóa đĩa đệm, rách hoặc nứt gây chèn ép dây thần kinh, dẫn đến cơn đau khó chịu, gây cản trở khả năng vận động. Nếu không phát hiện sớm và điều trị thoát vị đĩa đệm kịp thời, có thể khiến một người khỏe mạnh bị tàn phế suốt đời.
Triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm
Các triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm phải kể đến như:
– Đau thắt lưng đột ngột và dữ dội.
– Đau âm ỉ lan tỏa ở vùng thắt lưng, đau buốt từng cơn.
– Cử động bất tiện, khả năng ưỡn lưng hay cúi thấp khó.
– Đau thắt lưng kèm theo đau thần kinh tọa, đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, dọc khoang liên sườn.
– Tê hoặc yếu 2 chi, ngón chân cái khó gấp duỗi, cảm giác tê thể hiện rõ ở phần mu bàn chân và mông.
– Đau tăng khi ngồi, nằm nghiêng, ho, hắt hơi hoặc đại tiện. Khi nằm nghiêng hoặc vận động mạnh, cơn đau sẽ càng tăng. Để giảm đau nhức, người bệnh có xu hướng đứng vẹo một bên.
Bị thoát vị đĩa đệm khám ở đâu?
Khoa Ngoại Thần kinh là đơn vị hàng đầu của tỉnh Phú Thọ, chuyên khoa sâu điều trị các bệnh lý cột sống nói chung và bệnh lý thoát vị đĩa đệm nói riêng. Nếu người dân thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là bị đau lưng và tê lan xuống chân hãy đến khám tại Phòng khám 311 nhà A Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được các bác sĩ thăm khám, chụp chiếu và tư vấn cụ thể.
Khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hotline: 1800.888.989