Vì sao nên tầm soát ung thư cổ tử cung và 1 số phương pháp tầm soát phổ biến

Thông thường, cổ tử cung có màu hồng nhạt cùng lớp tế bào vảy mỏng, phẳng. Ống cổ tử cung được tạo nên từ một dạng tế bào thường gọi là tế bào trụ. Tại vùng giao nhau giữa hai tế bào này (vùng chuyển tiếp) thường xuất hiện các tế bào bất thường/tế bào tiền ung thư, gây bệnh ung thư cổ tử cung.

Ảnh minh họa khối ung thư cổ tử cung lan rộng
Ảnh minh họa khối ung thư cổ tử cung lan rộng

Vì sao nên tầm soát ung thư cổ tử cung ?

Theo ước tính của Globocan, năm 2020, khoảng 604.000 ca ung thư cổ tử cung mới được phát hiện và 342.000 ca tử vong trên toàn thế giới, đứng thứ 4 trong các loại ung thư gây tử vong ở phụ nữ. Ở các quốc gia đang phát triển, tỷ lệ ung thư cổ tử cung xếp vị trí thứ 2 (15,7/100.000) mức độ phổ biến, và đứng thứ 3 (8,3/100.000) số ca tử vong.

Cách tốt nhất để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung là thực hiện các xét nghiệm sàng lọc định kỳ. Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phụ khoa thường xuyên đã được chứng minh có khả năng phát hiện và điều trị ung thư từ sớm. Phát hiện ung thư từ giai đoạn khởi phát giúp cải thiện đáng kể tỷ lệ điều trị thành công, ngăn ung thư tiến triển, di căn tới các khu vực lân cận.

Ở giai đoạn đầu của ung thư cổ tử cung, các triệu chứng thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa khác, do đó người bệnh thường chủ quan không thăm khám phụ khoa cũng như thực hiện các bước sàng lọc ung thư cổ tử cung kịp thời. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị cũng như nguồn lực, thời gian và sức khỏe của người bệnh.

4 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến

  1. Khám phụ khoa

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm thường không điển hình, dẫn đến việc bệnh chỉ được phát hiện khi đã tiến triển qua giai đoạn muộn. Vì vậy, việc khám phụ khoa định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần đối với phụ nữ độ tuổi sinh sản luôn được khuyến nghị.

Các phương pháp thăm khám phụ khoa thông thường không thể khẳng định ung thư cổ tử cung, tuy nhiên giúp bác sĩ dễ dàng đánh giá, nghi ngờ khi phát hiện những tổn thương, bất thường, viêm nhiễm ngay từ sớm để chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu phù hợp.

  1. Kiểm tra trực quan bằng acid acetic (VIA)

Kiểm tra trực quan bằng axit axetic được thực hiện bằng các công cụ hỗ trợ và mắt thường. Cụ thể, một lượng nhỏ giấm trắng được phết lên cổ tử cung. Nếu cổ tử cung có những chuyển đổi sang màu trắng khi tiếp xúc với giấm, báo hiệu những bất thường của khu vực cổ tử cung. (1)

Phương pháp này thường mang tính sàng lọc và không cho kết quả tin cậy. Do đó, nếu nghi ngờ những bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung chuyên sâu hơn.

  1. Soi cổ tử cung

Soi cổ tử cung được thực hiện bằng cách quan sát khu vực cổ tử cung bằng thiết bị phóng đại chuyên dụng trong phụ khoa. Phương pháp soi cổ tử cung mang lại hình ảnh thật được phóng to 10-30 lần so với thực tế, giúp các bác sĩ dễ dàng quan sát những tổn thương, bất thường khó quan sát bằng mắt thường. Đồng thời, các bác sĩ có thể sử dụng dung dịch acid acetic 3-5% (chứng nghiệm Hinselmann) và dung dịch lugol 2% (chứng nghiệm Schiller) vào cổ tử cung để định vị chính xác khu vực tổn thương của cổ tử cung.

Nếu phát hiện những bất thường trong quá trình soi cổ tử cung, các bác sĩ sẽ lấy một vài mảnh mô nhỏ để sinh thiết. Mẫu mô này sẽ được nhuộm, soi trên kính hiển vi nhằm phát hiện các tế bào ác tính, chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

  1. Các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung

Xét nghiệm Thinprep tầm soát bất thường tế bào cổ tử cung kết hợp sàng lọc virus HPV giúp phát hiện trên 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Xét nghiệm Thinprep tầm soát bất thường tế bào cổ tử cung kết hợp sàng lọc virus HPV giúp phát hiện trên 90% nguy cơ ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.

Tùy thuộc vào độ tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung như:

  • Xét nghiệm Pap: là xét nghiệm phổ biến nhất, có thể phát hiện những thay đổi của các tế bào có nguy cơ dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Để thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ tiến hành thu thập mẫu phết tế bào từ khu vực cổ tử cung. Bạn sẽ nằm ngửa trên bàn khám, đầu gối hơi gập, đặt chân đặt vào giá đỡ cuối bàn. Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mỏ vịt chuyên dụng mở âm đạo để quan sát cổ tử cung. Sau đó dùng một bàn chải mềm hoặc thìa nhỏ để lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và gửi mẫu này đến phòng xét nghiệm

  • Xét nghiệm HPV: là xét nghiệm giúp phát hiện sớm các chủng virus HPV có liên quan đến nguy cơ gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Mẫu xét nghiệm HPV được thực hiện trên cơ sở một mẫu tế bào được lấy ra từ cổ tử cung, được chiết tách bằng máy phân tích nhằm xác định chính xác sự hiện diện của virus HPV.

Phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung HPV không hoàn toàn khẳng định 100% nữ giới có mắc ung thư cổ tử cung, tuy nhiên phương pháp này giúp sớm tìm thấy dấu hiệu bất thường đang tồn tại, từ đó có những biện pháp phòng ngừa, theo dõi và điều trị từ sớm. Các xét nghiệm HPV thường được thực hiện kết hợp với xét nghiệm Pap.

Tầm soát ung thư cổ tử cung có vai trò quan trọng, giúp phát hiện bệnh sớm và cải thiện đáng kể tỷ lệ điều trị thành công, ngăn ung thư tiến triển, di căn tới các khu vực lân cận và điều trị. Người dân tại Phú Thọ và các tỉnh miền núi phía Bắc có nhu cầu tầm soát ung thư cổ tử cung, vui lòng liên hệ Tel1800.888.989

Trung tâm Ung bướu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

 

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật