Tránh nguy cơ trở nặng từ căn bệnh gây tử vong thứ 3 thế giới nhờ chủ động quản lý bệnh

Theo WHO, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới, gây ra cái chết của trên 3 triệu người trong năm 2019. Đây là bệnh lý mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng của hệ thống y tế. Việc chủ động quản lý bệnh là một trong những yếu tố quan trọng giúp người bệnh COPD tránh được nguy cơ trở nặng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý viêm mạn tính của các phế quản gây ra tình trạng tắc nghẽn không hồi phục của luồng khí khi hít thở gây ra các triệu chứng như ho khạc đờm kéo dài, khò khè, khó thở,… Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như suy hô hấp cấp và mạn tính, viêm phổi, suy tim,…

Ảnh minh họa: Phổi của người bình thường và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD
Ảnh minh họa: Phổi của người bình thường và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính chiếm tỷ lệ khoảng 30% trong số các ca bệnh nhập viện tại khoa Nội Hô hấp – Tiêu hóa. Mỗi năm, Bệnh viện tiếp nhận thêm gần 100 ca bệnh mới. Hiện tại, Bệnh viện đang quản lý gần 500 người bệnh mắc COPD. Trong đó, nhiều trường hợp người bệnh mắc COPD nhờ được quản lý tốt, ngay khi xuất hiện các triệu chứng nguy cơ đã được thăm khám và điều trị kịp thời, giúp các triệu chứng được cải thiện nhanh chóng và không để lại di chứng nặng nề.

Hình ảnh người bệnh được thăm khám tại phòng khám chuyên quản lý hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hình ảnh người bệnh được thăm khám tại phòng khám chuyên quản lý hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Trường hợp người bệnh nam 57 tuổi, nhập viện tại Khoa Nội hô hấp tiêu hoá, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng khó thở, khò khè. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và hút thuốc lá trong nhiều năm. Dù đã dừng hút thuốc lá được một thời gian dài nhưng khi chụp phim cắt lớp lồng ngực, các bác sĩ vẫn ghi nhận những tổn thương phổi như phế thũng, kén khí phổi.

Người bệnh được đo chức năng hô hấp và chẩn đoán xác định bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Do được điều trị sớm, tình trạng người bệnh cải thiện rất nhanh, đỡ khó thở, đỡ ho khạc đờm và ra viện sau 4 ngày điều trị về dùng thuốc dự phòng theo hướng dẫn.

Tương tự, trường hợp người bệnh L.T.N ở Bạch Hạc, Việt Trì đã mắc COPD gần 10 năm nhờ được quản lý bệnh một cách hiệu quả và tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tái khám định kỳ nên người bệnh dù mắc COPD đã nhiều năm nhưng các chỉ số xét nghiệm máu, đo chức năng phổi vẫn ổn định, người bệnh vẫn vui vẻ tận hưởng cuộc sống khỏe mạnh.

Tuy nhiên, với trường hợp người bệnh T.V.V, dù đã được chẩn đoán mắc COPD 10 năm nay nhưng người bệnh không tuân thủ đi khám định kỳ, không duy trì sử dụng thuốc dự phòng đều đặn nên thường xuyên phải nhập viện vì các đợt COPD cấp, khiến chức năng phổi bị suy giảm nhanh chóng. Đặc biệt, mới đây người bệnh đã phải nhập viện vì đợt cấp COPD mức độ nặng phải thở oxy và điều trị kéo dài.

Hình ảnh tổn thương phổi ở người bệnh bệnh mắc COPD (kén khí, giãn phế nang)
Hình ảnh tổn thương phổi ở người bệnh bệnh mắc COPD (kén khí, giãn phế nang)

Nguyên nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính như:

  • Hút thuốc lá, thuốc lào: Đây là yếu tố nguy cơ chính. Những người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm, gây viêm niêm mạc khí phế quản, gây biến đổi cấu trúc của thành phế quản. Theo thời gian, cấu trúc khí phế quản thay đổi không hồi phục, gây ra sự tắc nghẽn của luồng khí khi hít thở.
  • Môi trường làm việc tiếp xúc với khói bụi, khí độc hại trong thời gian dài: khai thác đá, nấu than đá,…
  • Yếu tố cơ địa: biến đổi gen, thiếu men alpha1-antitrysin
  • Các nguyên nhân khác: sau điều trị lao phổi, giãn phế quản,….

Triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Một số triệu chứng của bệnh COPD
Một số triệu chứng của bệnh COPD

Ho khạc đờm kéo dài, khò khè khó thở tái diễn là những triệu chứng phổ biến của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi người bệnh đến muộn, có thể có các triệu chứng khác như: sốt, đau tức ngực, phù chân, viêm phổi tái diễn nhiều lần,…

Trong đợt cấp, các triệu chứng rầm rộ và đa dạng hơn như khò khè, khó thở, tím tái, ho khạc đờm xanh, đờm vàng, đau tức ngực,…

Theo nghiên cứu, nếu các đợt cấp càng xuất hiện nhiều thì chức năng phổi càng suy giảm nhanh. Vì vậy, kiểm soát đợt cấp bằng các thuốc dự phòng là yếu tố then chốt nhằm duy trì chức năng phổi ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Quản lý người bệnh mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc là nhiều năm có triệu chứng ho khạc đờm, khò khè, khó thở… cần được khám để loại trừ bệnh phổi tắc nghẽn
Những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc là nhiều năm có triệu chứng ho khạc đờm, khò khè, khó thở… cần được khám để loại trừ bệnh phổi tắc nghẽn

Những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào nhiều năm có các triệu chứng như ho khạc đờm, khò khè, khó thở cần được khám để loại trừ bệnh phổi tắc nghẽn. Dựa trên các xét nghiệm, phim chụp phổi và đo chức năng hô hấp để chẩn đoán xác định.

Khi được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các thuốc dự phòng dạng xịt, hít là chỉ định bắt buộc và cần dùng đúng theo hướng dẫn bác sĩ để có hiệu quả cao nhất.

Các yếu tố dẫn đến khởi phát đợt cấp là dùng thuốc dự phòng không đúng cách, dùng không đủ liều, do bội nhiễm. Người bệnh cần sống trong môi trường trong lành, thông thoáng, chế độ ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng, kiểm soát tốt bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim,…

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, phòng khám 417 (tầng 4, nhà A) là phòng khám chuyên quản lý hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Người bệnh được quản lý, theo dõi và tái khám định kỳ để được hướng dẫn dùng thuốc và chế độ chăm sóc sức khoẻ, tập luyện.

Bài viết được tham khảo ý kiến chuyên môn của Bác sĩ nội trú Hà Ngọc Thủy – Khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật