Hội chứng thận hư là tình trạng rối loạn chức năng sinh lý ở thận. Nếu không có những biện pháp điều trị sớm, người bệnh có thể phải đối mặt với các biến chứng nặng nề. Hãy cùng Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ tìm hiểu về hội chứng thận hư trong bài viết dưới đây.
Hội chứng thận hư là gì?
Hội chứng thận hư là tình trạng cơ thể bị mất > 3g protein/ngày qua đường nước tiểu. Hội chứng này xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp hơn ở trẻ em, hầu hết từ 1,5 đến 4 tuổi, ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Hội chứng thận hư được chia ra gồm hội chứng thận hư nguyên phát (hội chứng thận hư tiên phát) và hội chứng thận hư thứ phát (hội chứng thận hư kết hợp).
Nguyên nhân dẫn tới hội chứng thận hư
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư, phụ thuộc vào phân loại hội chứng thận hư nguyên phát hay thứ phát. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân của hội chứng thận hư nguyên phát
- Bệnh cầu thận tổn thương tối thiểu là nguyên nhân thường gặp gây ra hội chứng thận hư ở trẻ em.
- Viêm cầu thận màng là nguyên nhân phổ biến ở người trưởng thành tại các quốc gia đang phát triển.
- Viêm cầu thận màng tăng sinh.
- Viêm cầu thận tăng sinh tế bào trung mô.
- Xơ hóa cầu thận ổ – đoạn.
- Các bệnh viêm cầu thận và xơ hóa khác.
Nguyên nhân gây hội chứng thận hư thứ phát
- Bệnh hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống và các bệnh mạch máu hệ thống như: u hạt Wegener, cryoglobulin máu hỗn hợp, viêm thành mạch dị ứng, viêm đa vi động mạch,…
- Bệnh rối loạn chuyển hóa: lắng đọng chất dạng tinh bột (amyloidosis), bệnh đái tháo đường,…
- Sau một bệnh nhiễm trùng: nhiễm vi khuẩn (giang mai, liên cầu khuẩn, áp xe nội tạng…), nhiễm virus (virus viêm gan C, virus viêm gan B, HIV, cytomegalo virus), nhiễm ký sinh trùng (toxoplasma, sốt rét, sán máng…)
- Do dùng thuốc khác viêm không steroid, lithium, catoprin, penicillamin, heroin, probenecid, olbutamid, phenindion, chlopropamid, ripampicin… hoặc thủy ngân, muối vàng và các kim loại nặng khác.
- Dị ứng với nọc ong, nọc rắn, phản ứng quá mẫn.
- Ung thư: bệnh bạch cầu lympho, bệnh Hodgkin và các khối u đặc.
- Các bệnh thận di truyền: bệnh Fabry, hội chứng Alport, hội chứng thận hư bẩm sinh, bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng móng – xương bánh chè.
- Các nguyên nhân khác: thải ghép cơ quan, liên quan đến sinh nở, bệnh huyết thanh.
Triệu chứng hội chứng thận hư
Các triệu chứng của hội chứng thận hư
Các triệu chứng phổ biến của hội chứng thận hư bao gồm:
- Sưng phù: Triệu chứng này thường xuất hiện quanh vùng mắt, mắt cá chân và bàn chân, có thể kèm theo tràn dịch màng bụng, màng phổi.
Sưng phù là triệu chứng điển hình của hội chứng thận hư
- Nước tiểu xuất hiện bọt.
- Tăng trọng lượng cơ thể do lượng nước dư thừa không thoát được ra ngoài.
- Kém ăn, mệt mỏi.
- Ăn mất ngon.
Bên cạnh đó, người mắc hội chứng thận hư thứ phát còn xuất hiện các triệu chứng của bệnh nguyên gây ra hội chứng thận hư như:
- Do bệnh lupus ban đỏ hệ thống: đau nhức khớp, xuất hiện ban đỏ hình cánh bướm ở mặt .
- Do bệnh viêm thành mạch dị ứng: hai cẳng chân bị xuất huyết thể chấm, đau khớp và triệu chứng tiêu hóa.
Phương pháp điều trị hội chứng thận hư
Nguyên tắc trong điều trị hội chứng thận hư là điều trị đặc hiệu và điều trị triệu chứng.
Điều trị đặc hiệu
Thường sử dụng liệu pháp corticoid để giảm tình trạng tiểu niệu. Tùy vào mức độ bệnh cũng như khả năng tái phát, bác sĩ sẽ kê liều và kết hợp với các loại thuốc phù hợp với từng người bệnh.
Điều trị triệu chứng
- Giảm phù: Người bệnh cần tuân thủ ăn nhạt, mỗi ngày chỉ ăn 4 – 6g natri. Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ.
- Bù lại protein cho cơ thể bằng cách tăng bổ sung thực phẩm giàu protein như thịt nạc, truyền albumin nếu xét nghiệm albumin máu dưới 10g/l.
- Sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp nếu có nhiễm khuẩn.
- Ngoài ra, người bệnh được kê thêm canxi, vitamin D2, các yếu tố vi lượng để hạn chế tác dụng phụ của corticoid và ngăn ngừa hậu quả do protein niệu.
Việc điều trị hội chứng thận hư cần tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ và thăm khám định kỳ. Người bệnh cần duy trì sử dụng thuốc theo đơn bác sĩ kê, tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các loại thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự điều trị tại nhà. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra và được bác sĩ tư vấn cách điều trị hiệu quả nhất.