Câu chuyện tình yêu đến từ căn bệnh Thalassemia

Giữa cuộc sống còn nhiều lo toan bộn bề, hai vợ chồng anh Năm chị Quý vẫn đều đặn mỗi tháng xuống Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị căn bệnh hiểm nghèo Thalassemia (Tan máu bẩm sinh). Chính tại Bệnh viện anh chị đã viết nên câu chuyện tình yêu cảm động của riêng mình, khiến những người bệnh xung quanh anh chị có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật, có thêm lý do để tin tưởng vào cuộc sống, vào tình yêu.

 

Tôi gặp vợ chồng anh chị trong những lần đi hỏi thăm người bệnh và cùng đoàn từ thiện vào trung tâm giúp đỡ những người bệnh đang điều trị tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu. Ban đầu là những lời hỏi thăm quen thuộc như với bao nhiêu người bệnh khác nhưng càng tiếp xúc và tìm hiểu nhiều về anh chị tôi càng xúc động và câu chuyện của anh chị đã cuốn hút tôi. Những cử chỉ, ánh mắt, cách anh chị chăm sóc cho nhau, nghĩ về nhau khiến tôi muốn viết về anh chị, để mọi người có thể hiểu phần nào về cuộc sống của những người bệnh đang hàng ngày phải chiến đấu với bệnh tật, phải đối diện với những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Anh Năm là con thứ 5 trong gia đình thuần nông tại vùng quê Thanh Sơn (Phú Thọ), nhà có 7 anh chị em thì anh Năm và một người chị gái không may mắc “căn bệnh lạ” Thalassemia từ nhỏ. Bố mẹ mất sớm, gia đình còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng anh và chị gái vẫn cố gắng đi chữa chạy khắp nơi. Đến khi Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ có đầy đủ điều kiện, trang thiết bị kỹ thuật điều trị được bệnh Thalassemia, hai chị em lại cùng nhau xuống truyền máu và thải sắt tại Trung tâm Huyết học và Truyền máu. Những ngày điều trị ở Trung tâm, anh Năm đã chứng kiến nhiều người cũng bị bệnh như mình, từ các em nhỏ đến những cô, bác đã lớn tuổi(đa số họ không kết hôn và sống cô đơn một mình). Anhcũng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ gặp được người con gái khiến mình yêu thương và muốn gắn bó cả cuộc đời. Vì bản thân mình bệnh thế này có khi còn không lo nổi cho bản thân chứ nói gì đến lo cho người khác. Thế nhưng duyên phận vẫn khiến anh gặp chị Quý, hai con người cùng mắc một căn bệnh mà chỉ có thể dựa vào truyền máu đều đặn mỗi tháng một lần trong suốt cuộc đời mới có thể duy trì sức khỏe ổn định.

Nhà chị Quý ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ), nhà có 5 anh chị em nhưng chỉ mình chị mắc bệnh. Chị xúc động kể lại những ngày tháng đã qua khi xuống bệnh viện điều trị, gặp người mà chị có thể tin tưởng, đồng cảm, yêu thương, dù nước mắt đong đầy nhưng chị vẫn rất mạnh mẽ khi nói với tôi rằng: “Chị thương anh, đã biết rõ về hoàn cảnh của anh từ trước khi yêu nhau nên dù khó khăn thế nào chị cũng chấp nhận”.

Khi được hỏi về chuyện tình cảm của anh chị, không ít người ở trung tâm Huyết học và Truyền máu đều biết và quan tâm rồi cảm thấy khâm phục. Anh ít hơn chị bốn tuổi, chênh lệch tuổi tác, bệnh tật, gia cảnh khó khăn, hai nhà lại xa xôi cách trở là những lý do mà anh chị và bất cứ ai cũng có thể nhận ra khi nghe đến câu chuyện của anh chị. Bấy nhiêu đó cũng đã là trở ngại quá lớn cho tình cảm của anh chị, nhưng với sự kiên trì của mình sau nửa năm trời thuyết phục, gia đình chị đã chấp nhận cho anh chị đến với nhau. Cùng nhau trải qua những ngày tháng có quy luật trị bệnh – về nhà – xuống trị bệnh, đến những ngày đầu xuân năm 2018, anh chị quyết định về chung một nhà. Từ đó đến nay cuộc sống gặp nhiều khó khăn, sức khỏe yếu khiến cả hai anh chị đều chỉ có thể làm được những công việc vừa sức chứ không thể làm được những việc lao động tay chân. Có những ngày đến hẹn xuống bệnh viện điều trị, sức khỏe cũng yếu đi nhưng trong nhà không có tiền anh chị phải chạy khắp nơi để vay mượn mới có thể đi bệnh viện nên số tiền nợ cũng tăng dần theo những lần đi chữa bệnh. Nói là vay vậy thôi, chứ toàn là vay của anh em trong gia đình biết đến khi nào mà trả được. Sức yếu, chị chỉ có thể làm được những công việc nhẹ nên ngay cả khi đi viện chị vẫn tranh thủ nhận thêu tranh thuê để có thêm thu nhập cho việc chữa bệnh.

20092018AnhTin ThailassamiaW2

Vợ chồng anh chị Năm Quý những lúc ở viện

Căn bệnh của anh chị không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống thường ngày mà còn khiến mong muốn có con của anh chị trở nên khó thành hiện thực vì đây là bệnh di truyền. Anh chị mong sao có một chút vốn để mua được con lợn giống và vài đôi gà nuôi lấy kế sinh nhai, một mong muốn nhỏ nhoi vậy thôi mà cũng khó thành hiện thực bởi lẽ lấy đâu ra tiền. Nhưng anh chị vẫn lạc quan và tin vào tương lai tươi sáng sẽ mở ra cho anh chị một lối thoát.

Trong bệnh viện nơi tôi làm việc có biết bao câu chuyện về những người bệnh kiên cường, mạnh mẽ như vợ chồng anh Năm, không may mắn có được sức khỏe nhưng họ có tâm hồn và trái tim tuyệt vời. Tôi vẫn luôn hy vọng rằng, mỗi ngày của người bệnh trôi qua không chỉ có sự đau đớn và buồn chán mà còn có sự lạc quan, tin vào tương lai tốt đẹp hơn sẽ đến với mỗi người.

Mọi sự quan tâm, giúp đỡ xin vui lòng liên hệ:

Tổ Công tác xã hội – Phòng Marketing & Truyền thông – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. SĐT: 0210.6550.666

 

Quý vị có thể liên hệ trực tiếp với anh Đinh Văn Năm

Địa chỉ: Xóm Đồi Bông – Xã Lương Nha – Huyện Thanh Sơn – Phú Thọ

SĐT: 01688067154

Thông tin thêm: Hiện tại, hai vợ chồng anh Năm đang điều trị tại Buồng bệnh số 3, Trung tâm Huyết học và Truyền máu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Tô Điệp

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật