7 lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ

Kỳ nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày chính là thời điểm lý tưởng để đi du lịch cùng người thân, bạn bè. Và một trong những yếu tố quan trọng làm nên sự thành công của những chuyến đi, đó chính là sức khỏe. Vậy làm sao để đảm bảo sức khỏe khi tham gia những chuyến du lịch dài ngày? Hãy cùng tìm hiểu 7 lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ qua bài viết dưới đây của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

7 lưu ý sức khoẻ

Sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng để có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ trọn vẹn

1. Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh

Thưởng thức ẩm thực địa phương là một thú vui khi đi du lịch. Tuy nhiên, thực phẩm ở các khu du lịch rất khó để có thể kiểm soát được chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, chúng ta nên tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng và chỉ ăn uống các loại thực phẩm chế biến đúng cách. Đồng thời, không uống rượu quá nhiều, tránh sử dụng nước giải khát không đảm bảo nguồn gốc. Cố gắng ăn uống đúng bữa, đúng giờ giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

7 lưu ý sức khoẻ

Cần lưu ý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi đi du lịch

2. Trang phục phù hợp

Trước khi đi du lịch chúng ta nên tìm hiểu về điều kiện thời tiết của nơi mình sắp đến để lựa chọn trang phục cho phù hợp. Nên mặc quần áo, giày dép, mũ… gọn gàng, thoải mái, thấm hút mồ hôi. Không nên mặc quần áo quá bó, quá chật vì có thể ảnh hưởng tới lưu thông máu và quá trình di chuyển. Nếu có trẻ nhỏ đi cùng cần chuẩn bị kỹ càng như bỉm, sữa, quần áo, mũ, kính, xe nôi em bé,… Mỗi gia đình nên tính toán số lượng trang phục cần thiết dựa trên thời gian của chuyến đi.

7 lưu ý sức khoẻ

Trước khi đi chơi cần chuẩn bị hành lý với trang phục phù hợp để mang theo

3. Nghỉ ngơi hợp lý để giữ gìn sức khoẻ

Khi đi du lịch chúng ta thường bị cảnh đẹp và các hoạt động vui chơi thu hút đến quên cả thời gian, đặc biệt là các bạn nhỏ. Dù mải mê tham gia các hoạt động ngoài trời, bạn cần chú ý ngủ nghỉ hợp lý. Không nên thức quá khuya hay ngủ nướng. Hãy cố gắng phân bổ thời gian như lịch sinh hoạt thường ngày.

Hình ảnh bãi biển với cát trắng nắng vàng luôn là điều vô cùng thu hút với du khách. Tuy nhiên, để phòng tránh say nắng, các chuyên gia khuyến cáo, người dân khi đi du lịch nên hạn chế ra ngoài trời trong những khung thời gian nắng nóng gay gắt, đặc biệt là từ 11h đến 15h. Khi đi du lịch ở các vùng biển, chỉ nên tắm biển vào buổi sáng sớm và chiều muộn, tránh tắm vào buổi trưa hoặc đầu giờ chiều, bởi đây là thời điểm nắng nóng gay gắt và có nhiều tia cực tím. Thay vào đó, chúng ta có thể cân nhắc những hoạt động vui chơi trong nhà để tham gia trong những khung giờ này.

7 lưu ý sức khoẻ

Đề phòng nguy cơ say nắng khi vui chơi ngoài trời

4. Uống đủ nước khi tham gia các hoạt động ngoài trời

7 lưu ý sức khoẻ

Giữ cho cơ thể đủ nước là điều cần thiết để có được sức khỏe tốt nhất

Khi hoạt động ngoài trời nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao, mồ hôi trên cơ thể sẽ bắt đầu tiết ra để thực hiện vai trò làm mát. Nếu bạn uống quá ít nước thì sẽ không có đủ nước để tản nhiệt cho cơ thể. Nếu cơ thể quá nóng mà không được giải nhiệt thì sẽ gây ra các trạng thái như chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu, bị sốc nhiệt…

Ngoài ra thì nước cũng giúp cho các bộ phận như tim, thận… hoạt động tốt hơn, do đó trong chuyến du lịch dài ngày bạn cần chuẩn bị nước khoáng đầy đủ.

5. Chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm

Các khu du lịch và phương tiện giao thông công cộng là nơi tập trung đông người nhất trong kỳ nghỉ lễ, vì vậy ở những nơi này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để chủ động phòng tránh các bệnh truyền nhiễm, chúng ta cần, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, trước khi bế ẵm hoặc cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ…

7 lưu ý sức khoẻ

Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp phòng ngừa lây bệnh hiệu quả

6. Trang bị một số loại thuốc cần thiết

Để đề phòng những sự cố sức khỏe bất ngờ, khi đi du lịch chúng ta nên mang theo một số loại thuốc như thuốc chống say xe, thuốc tiêu hóa, men tiêu hóa, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc nhỏ mắt, thuốc chống dị ứng… và một số dụng cụ sơ cứu cơ bản như bông, kéo, băng cá nhân (như urgo), băng chun, oxy già, cồn 70 độ, cồn i-ốt… để sử dụng khi cần thiết.

7 lưu ý sức khoẻ

Bạn nên mang theo một số loại thuốc để đề phòng sự cố sức khỏe

7. Tránh để côn trùng cắn, đốt

7 lưu ý sức khoẻ

Côn trùng là vật trung gian truyền nhiều bệnh nguy hiểm

Côn trùng là vật trung gian lây bệnh truyền nhiễm. Vết cắn của côn trùng vừa gây ngứa ngáy khó chịu vừa có thể mang theo dịch bệnh. Có thể tránh muỗi, ve, bọ chét cắn đốt bằng cách bôi thuốc đuổi côn trùng chứa 30% DEET lên vùng da hở, lưu ý dùng lâu và nồng độ cao sẽ gây độc hại cho trẻ nhỏ. Mặc quần áo phủ kín ở những nơi có nguy cơ sốt xuất huyết và sốt rét, hoặc ngâm, xịt quần áo, màn, lều bằng thuốc chống côn trùng để phòng côn trùng đốt.

Trên đây là một số lưu ý để bảo vệ sức khỏe khi đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ. Chúc bạn và gia đình có một kỳ nghỉ vui vẻ và khỏe mạnh!

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật