Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng và độ tuổi cũng đang có xu hướng trẻ dần. Bệnh đái tháo đường không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch, thận, mắt và hệ thần kinh… trở thành mối lo ngại lớn cho cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức về các triệu chứng của bệnh sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.
Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể người bệnh không thể tự chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến sự tích tụ lượng đường trong máu tăng dần theo thời gian. Khi đường huyết luôn ở mức cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ gia tăng, đồng thời có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, mắt, thận… và dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác..
Các loại bệnh đái tháo đường thường gặp
Có 3 loại bệnh đái tháo đường thường gặp bao gồm:
- Đái tháo đường type 1: người bệnh bị thiếu insulin vì tế bào beta của tuyến tụy bị phá hủy nên insulin không được tiết ra hoặc giảm tiết.
- Đái tháo đường type 2: cơ thể vẫn có khả năng sản xuất ra insulin nhưng số lượng insulin không đủ do tế bào Beta tuyến tụy bị suy yếu, hoặc số lượng insulin được tiết đủ nhưng cơ thể có kháng thể kháng insulin.
- Đái tháo đường thai kỳ: kháng insulin trong thai kỳ, chủ yếu là sau 24 tuần và trước đó chưa từng bị 2 loại đái tháo đường trên.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thay đổi ít nhiều theo tuýp bệnh, đôi khi rất nhẹ, thậm chí không có triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó phát hiện bản thân mắc bệnh, đến khi có những biến chứng mới bắt đầu thăm khám và được điều trị.
Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1
Các triệu chứng của thể đái tháo đường tuýp 1 thường diễn tiến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần với các biểu hiện điển hình gồm:
- Cảm thấy đói và mệt: Thông thường, cơ thể sẽ chuyển đổi thực phẩm ăn vào thành glucose để các tế bào lấy năng lượng. Các tế bào sẽ cần đến insulin để có thể hấp thụ glucose. Tuy nhiên, khi cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết, hoặc các tế bào của cơ thể kháng lại insulin được tạo ra sẽ khiến glucose không thể hấp thu và lấy năng lượng. Vì vậy sẽ khiến người bệnh cảm thấy đói và mệt mỏi hơn so với bình thường.
- Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Người bình thường trong vòng 24 giờ sẽ đi tiểu khoảng 4 – 7 lần, nhưng ở người bệnh tiểu đường tuýp 1 sẽ đi tiểu nhiều lần hơn. Do ở cơ chế bình thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận, còn ở người bệnh tiểu đường, lượng glucose trong máu bị đẩy lên cao khiến thận không thể hấp thu tất cả trở lại. Vì vậy glucose sẽ được thải qua đường tiểu kéo theo thải nước, khiến cơ thể tạo nhiều nước tiểu, người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn. Khi đi tiểu nhiều gây ra tình tình trạng mất nước, người bệnh sẽ rất khát do đó sẽ cần uống nước, nhưng chính vì vậy lại càng đi tiểu nhiều hơn.
- Khô miệng, ngứa da: Người bệnh đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể bị mất nước, làm cho vùng miệng cảm thấy bị khô. Da khô có thể khiến người bệnh tiểu đường bị ngứa da.
- Sụt cân: Một số trường hợp người bệnh ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân sau vài tuần do mất nước, do ly giải mô mỡ, mô cơ.
Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2
Ở thể đái tháo đường tuýp 2, các triệu chứng tiến triển âm thầm và phát triển trong nhiều năm, đa số người bệnh không gặp những triệu chứng rõ ràng như thể tiểu đường tuýp 1 nên khó phát hiện. Bệnh có thể vô tình được phát hiện qua xét nghiệm glucose máu hoặc có những biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành. Một số dấu hiệu nghi ngờ cần thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác bệnh đái tháo đường gồm:
- Nhiễm trùng nấm men: Nấm men sẽ ăn glucose, do đó sự tập trung nhiều glucose sẽ khiến nấm phát triển mạnh. Người bệnh có thể thấy nhiễm trùng ở bất kỳ nếp gấp ẩm của da, ở giữa ngón tay, ngón chân, vùng dưới ngực, thậm chí xung quanh hoặc trong cơ quan sinh dục.
- Vết thương lâu lành: Lượng đường trong máu quá cao có thể sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu của toàn bộ cơ thể, gây tổn thương hệ thần kinh, khiến khó chữa lành các vết thương. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể thấy đau hoặc tê ở chân. Đó cũng chính là biểu hiện của tổn thương thần kinh.
Triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ
Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng. Sản phụ có thể sẽ khát nước hơn bình thường, đi tiểu nhiều lần hơn. Bệnh thường được chẩn đoán ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ nhờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu lúc thai 24 – 28 tuần tuổi, trước đó chưa ghi nhận bệnh tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2.
Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, người dân cần chủ động thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần để phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng phương pháp. Trong trường hợp đã mắc bệnh, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng nề và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.