Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

SKĐS – Theo báo cáo của Mạng lưới toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt. Chỉ 27% hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn…

Tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì cuộc họp tiếp thu ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Tham dự cuộc họp cùng Thứ trưởng có đại diện một số Vụ, Cục, Viện, Bệnh viện thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, một số đơn vị có liên quan và một số chuyên gia.

Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì cuộc họp.

Chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học nào liên quan đến sử dụng muối tăng cường i-ốt ảnh hưởng sức khỏe

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Y tế cho biết đến ngày 17/10/2024, Bộ Y tế nhận được 7 nhóm ý kiến từ các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp.

Trong đó 7/7 tổ chức nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định, 4/7 tổ chức bao gồm WHO, UNICEF, IGN, HealthBridge Canada ủng hộ hoàn toàn sự cần thiết và cung cấp thêm bằng chứng để giữ nguyên quy định bắt buộc tăng cường i-ốt vào muối; sắt, kẽm vào bột mì; 3/7 tổ chức Hiệp hội ngành hàng thực phẩm, Amcham, VASEP có ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo Nghị định.

Với các nhóm ý kiến khác nhau, Bộ Y tế đã có tiếp thu và giải trình theo từng nhóm vấn đề dựa trên khuyến cáo của WHO, cơ sở thực tiễn và các nghiên cứu, điều tra dịch tễ.

Tại cuộc họp, đại diện của các Hiệp hội doanh nghiệp đưa ra những kiến nghị khác nhau về việc phân loại các sản phẩm cần khuyến khích và nhóm sản phẩm cần hạn chế sử dụng i-ốt, việc gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp trong việc đưa i-ốt vào các sản phẩm chế biến, việc ảnh hưởng đến giá trị cảm quan của các sản phẩm truyền thống gây khó cho doanh nghiệp.

Các tổ chức quốc tế, các cơ quan, đơn vị của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ đã giải đáp những thắc mắc của các doanh nghiệp, đưa ra những minh chứng cụ thể theo nghiên cứu khoa học của nhiều nước trên thế giới về việc cần thiết và bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng vì sức khỏe người dân.

Theo báo cáo năm 2021 của Mạng lưới toàn cầu về Phòng Chống các rối loạn do thiếu i-ốt, Việt Nam đang nằm trong nhóm 26 nước còn lại trên thế giới bị thiếu i-ốt.

Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

Bà Đinh Thị Thu Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế báo cáo tại cuộc họp.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng năm 2019-2020 tại Việt Nam cũng cho thấy, trung vị i-ốt niệu của đối tượng trẻ em toàn quốc (trên 6 tuổi) là 113,3 mcg/l, trẻ em miền núi là 90,0 mcg/l, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ là 98,9 mcg/l, phụ nữ có thai là 85,3 mcg/l; trong khi mức khuyến cáo của WHO cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh đẻ là 100-199 mgc/l, cho phụ nữ có thai là 150-249 mcg/l.

Hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn chỉ chiếm 27%; trong khi khuyến cáo của WHO là phải trên 90%. Như vậy chỉ số trung vị i-ốt niệu và chỉ số hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh đều đạt ở mức nguy cơ cận dưới và không đạt so với khuyến cáo của WHO.

Với kết quả này, khẳng định quần thể người dân Việt Nam chưa đạt đủ lượng i-ốt tiêu thụ hàng ngày so với khuyến nghị.

Đây là căn cứ để dự thảo sửa đổi Nghị định 09 không thay đổi Khoản 1 Điều 6; cần tiếp tục thực hiện muối dùng để ăn trực tiếp và dùng trong chế biến thực phẩm cần phải được tăng cường I-ốt.

Báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, hiện nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh nhân thừa i-ốt. Đồng thời, Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ bằng chứng khoa học nào của doanh nghiệp liên quan đến việc sử dụng muối tăng cường i-ốt bị biến đổi về màu sắc, mùi vị hoặc ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng.

Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

Chuyên gia UNICEF phát biểu tại cuộc họp

Như vậy, các kiến nghị chưa chính xác, chưa có cơ sở khoa học của doanh nghiệp trước đó, đã dẫn đến chậm thực thi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ trong 8 năm. Và trong 8 năm đó, Việt Nam hầu như không có cải thiện về sức khỏe của người dân liên quan đến các vi chất dinh dưỡng như: I-ốt, sắt, kẽm.

Với nội dung đã nêu, Vụ Pháp chế – Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo theo Nhóm ý kiến của WHO, UNICEF, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Viện Chiến lược và Chính sách y tế và các tổ chức bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đề xuất giữ nguyên quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 09/2016/NĐ-CP và chỉ sửa một số nội dung cho phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP, đồng thời khẳng định các doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 09/2016/NĐ-CP vì hiện tại Nghị định này vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Xây dựng văn bản phải hài hòa các khuyến cáo quốc tế, dựa trên các số liệu khoa học

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau khi nghe Vụ Pháp chế báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp; thống nhất nguyên tắc đã là văn bản quy phạm pháp luật thì phải thực hiện.

“Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc, trên ý kiến của các tổ chức cá nhân chúng ta xem xét, điều chỉnh theo đúng quy trình, quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tế”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và nhấn mạnh: Như vậy Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ vẫn còn hiệu lực thi hành nên chúng ta phải thực hiện với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ và phải đặt mục tiêu sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết.

Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

GS.TS Lê Danh Tuyên – nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại cuộc họp.

Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý, Ban soạn thảo, tổ biên tập cần lưu ý về câu từ sao phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm và khả thi. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải hài hòa với các khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và thực tiễn Việt Nam dựa trên các số liệu khoa học.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế – đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định khẩn trương hoàn thiện Dự thảo nghị định trình chính phủ trong tháng 11, hoàn thiện biên bản cuộc họp tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.

Các đơn vị chuyên môn như Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai… rà soát lại các số liệu đã nghiên cứu và có văn bản báo cáo chính thức với Bộ Y tế (gửi về Vụ Pháp chế) trước ngày 1/11/2024.

Trên cơ sở các ý kiến của các hiệp hội và tổ chức doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ có văn bản trả lời từng nội dung, trong đó nêu rõ nội dung nào tiếp thu và nội dung nào giải trình. Trên cơ sở đó, Vụ Pháp chế dự thảo báo cáo của Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng kết quả của buổi làm việc này và đề xuất phương án trước ngày 10/11/2024.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên giao Viện Chiến lược và Chính sách y tế chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Viện dinh dưỡng, Cục An toàn thực phẩm, Cục Y tế dự phòng… làm việc cụ thể với các doanh nghiệp đã thực hiện các dịch vụ kĩ thuật để chứng minh, giải quyết các thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên bày tỏ lời cảm ơn các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia đã cùng Bộ Y tế hoàn thiện thể chế, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam trong tình hình mới…

Người Việt Nam vẫn ăn ít muối i-ốt so với khuyến nghị

Quang cảnh hội thảo.

Theo Sức khỏe đời sống.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật