U tuyến nước bọt phụ vùng hạ họng – Thanh quản được phẫu thuật nội soi tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

U tuyến nước bọt phụ vùng miệng họng chiếm tỷ lệ rất ít trong các loại u của tuyến nước bọt nói chung, chỉ chiếm khoảng 8-10%. Trong đó u lành tính hay gặp nhất thường là u tuyến đa hình thái (còn gọi với tên khác là u hỗn hợp tuyến nước bọt). 

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

U tuyến nước bọt phụ vùng miệng họng chiếm tỷ lệ rất ít trong các loại u của tuyến nước bọt nói chung, chỉ chiếm khoảng 8-10%. Trong đó u lành tính hay gặp nhất thường là u tuyến đa hình thái (còn gọi với tên khác là u hỗn hợp tuyến nước bọt). Việc điều trị cơ bản là phẫu thuật lấy toàn bộ khối u, khi lấy được toàn bộ khối u tỷ lệ tái phát rất thấp chỉ khoảng 2%.

Phẫu thuật nội soi vùng hạ họng thanh quản thường rất khó khăn phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: chảy máu, khó thở…Chúng tôi xin giới thiệu một trường hợp khối u tuyến nước bọt phụ vùng hạ họng – thanh quản được chẩn đoán và phẫu thuật thành công tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.

II. TỔNG QUAN VỀ U TUYẾN NƯỚC BỌT PHỤ

Các tuyến tiết nước bọt cho vùng miệng, họng bao gồm: tuyến mang tai, tuyến dưới hàm, tuyến dưới lưỡi và các tuyến nước bọt phụ phân bố rải rác trong khoang miệng, họng và thanh quản. U tuyến nước bọt gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai sau đó là tuyến dưới hàm, dưới lưỡi, u tuyến nước bọt phụ rất hiếm gặp nhưng tỷ lệ ác tính lại cao hơn so với u của các tuyến nước bọt chính. Việc chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và đặc biệt là mô bệnh học có ý nghĩa quyết định.

Theo tổ chức Y tế Thế giới các u tuyến nước bọt được phân làm 3 loại: u biểu mô lành tính tuyến nước bọt, ung thư biểu mô tuyến và các u không thuộc biểu mô tuyến, trong đó u tuyến đa hình thái (Adénome Pléomorphe) là hay gặp nhất. Các u tuyến nước bọt phụ nằm ở vùng hạ họng – thanh quản thường gây khó khăn khi thở, nuốt và phát âm. Đặc biệt khi khối u to che lấp tiền đình thanh quản có thể gây biến chứng ngừng thở.

III. PHẦN BÁO CÁO CA BỆNH

Người bệnh nam 36 tuổi. Tiền sử không có gì đặc biệt. Diễn biến bệnh khoảng 3 tháng trước khi vào viện thấy nuốt vướng tăng dần, ăn uống khó khăn kèm theo khó thở khi gắng sức, ngủ ngáy nhiều thỉnh thoảng có cơn ngừng thở khi ngủ.

Khám khi vào viện: Người bệnh có khó thở thanh quản độ I, nói giọng “ngậm hạt thị”. Nội soi thấy khối u khoảng 3x4cm bề mặt nhẵn, ranh giới rõ di động khi phát âm, che lấp toàn bộ tiền đình thanh quản không quan sát thấy dây thanh. Hạch cổ (-). Các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Chụp CT scanner thấy khối u vùng hạ họng thanh quản ranh giới rõ không xâm lấn tổ chức xung quanh.

Người bệnh được chẩn đoán u vùng hạ họng thanh quản và được phẫu thuật mổ nội soi lấy toàn bộ khối u bằng dao điện. Sau mổ được đặt Sonde dạ dày, kháng sinh, chống phù nề, giảm đau. Sau 7 ngày Người bệnh ổn định ra viện.

Kết quả mô bệnh học: U đa hình tuyến nước bọt lành tính.

U tuyến nước bọt

Hình 1: Hình ảnh nội soi trước mổ 

U tuyến nước bọt

Hình 2: Hình ảnh nội soi sau mổ

IV. BÀN LUẬN

Tần suất U tuyến nước bọt lành tính gặp nhiều nhất ở tuyến mang tai, ít gặp nhất ở các tuyến nước bọt phụ. Đặc biệt vùng hạ họng thanh quản rất hiếm gặp. Việc điều trị hiệu quả nhất vẫn là phẫu thuật lấy toàn bộ khối u.

Tuy nhiên với những khối u to nằm sâu vùng hạ họng – thanh quản việc phẫu thuật rất khó khăn, trước đây thường phải mổ mở theo đường cổ bên qua các cơ dưới móng và cơ xiết họng mới có thể tiếp cận được khối u và phải mở khí quản trước khi phẫu thuật vì vậy có rất nhiều nguy cơ trong và sau mổ đặc biệt việc chăm sóc hậu phẫu rất vất vả.

Nhờ những tiến bộ trong gây mê hồi sức và phẫu thuật nội soi với những phương tiện hiện đại, chúng tôi đã phẫu thuật lấy toàn bộ khối u đường miệng thành công không xảy ra các tai biến như: chảy máu, khó thở sau mổ. Đây cũng là một bước tiến mới trong điều trị các khối u vùng Tai Mũi Họng và đầu cổ.

V. KẾT LUẬN

U tuyến nước bọt phụ lành tính vùng hạ họng thanh quản rất hiếm gặp tuy nhiên Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng về đường thở và đường ăn, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng Người bệnh. Khi đã được chẩn đoán cần phẫu thuật sớm. Phẫu thuật nội soi dưới gây mê là một bước tiến mới mang lại hiệu quả cao và tránh được các biến chứng trong và sau mổ.

VI. TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Xuân Hợp (1971) “Giải phẫu đại cương, giải phẫu Đầu Mặt Cổ”. NXB Y học; 85-87
  2. Vũ Trung Lương (2001) “U lành tính tuyến nước bọt và kết quả điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương”. Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú bệnh viện
  3. Trần Quang Long (2006) “Bước đầu đánh giá kết quả u tuyến nước bọt và các biến chứng tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương”. Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ y học

BSCKII – Trưởng khoa: Phan Ngọc Minh

Ths.Bs – Phó trưởng khoa: Nguyễn Thế Đạt

Khoa Tai mũi họng

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật