Bàng quang tăng hoạt chính là một tình trạng rối loạn chức năng giữ nước tiểu của bàng quang. Cụ thể, khi bị bàng quang tăng hoạt, bàng quang sẽ co bóp bất thường cũng như không có sự kiểm soát dẫn đến cảm giác mót tiểu đột ngột, đòi hỏi phải tiểu tiện ngay mà không thể nhịn tiểu được.
– Quá trình đi tiểu bình thường được xác định là tiểu chủ động, không cần dặn trong khi tiểu, dòng tiểu mạnh, lượng nước tiểu phù hợp, không còn tồn dư nước tiểu trong bàng quang sau khi tiểu, tiểu xong cảm giác thoải mái, mỗi ngày tiểu ít hơn 8 lần và không cần phải thức dậy ban đêm để đi tiểu.
– Rối loạn tiểu tiện: Là tình trạng bất thường của quá trình đi tiểu bao gồm sự kiểm soát bàng quang, tần xuất đi tiểu, lượng nước tiểu và cảm giác tiểu tiện gây ra do mất kiểm soát một phần hay hoàn toàn cơ bàng quang, cơ thắt cổ bàng quang, niệu đạo và cơ sàn chậu.
– Phân loại: Dựa vào các thành phần tham gia vào quá trình tiểu tiện, bất kỳ thành phần nào bị ảnh hưởng từ đại não, tiểu não, thân não, tủy sống, dây thần kinh bàng quang, cơ thắt, niệu quản hoặc các cơ quan lân cận đều có thể dẫn đến tình trạng bất thường quá trình đi tiểu. Rối loạn tiểu tiện có nhiều cách phân loại, sau đây là một số phân loại thường gặp:
1. Rối loạn tiểu do thần kinh và không do nguyên nhân thần kinh
– Do nguyên nhân thần kinh:
• Tổn thương neuron vận động trên: Do tổn thương tủy sống, não bộ
• Tổn thương neuron vận động dưới: Tổn thương rễ thần kinh sống, chùm
đuôi ngựa, các thần kinh ngoại biên, bệnh synap thần kinh cơ.
– Không do nguyên nhân thần kinh:
• Do bất thường hoặc tổn thương giải phẫu bộ máy tiểu tiện
2. Rối loạn quá trình đổ đầy và bài xuất
– Bí tiểu:
• Cơ bàng quang liệt hoặc giảm hoạt động.
• Hẹp, tắc niệu quản.
– Tiểu không tự chủ:
• Tiểu không phù hợp (về thời gian, địa điểm)
• Rối loạn chức năng chứa của bàng quang (Bàng quang nhỏ, bàng quang
tăng hoạt)
• Rối loạn hoạt động cơ thắt
3. Rối loạn do hoạt động của bàng quang và không do hoạt động của bàng quang
– Rối loạn không do hoạt động của bàng quang:
• Triệu chứng đường tiểu dưới
– Rối loạn do hoạt động của bàng quang
• Bàng quang tăng hoạt
• Bàng quang giảm hoạt
Bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh
– Là tình trạng tăng hoạt của bàng quang mà do tổn thương ở các neuron thần kinh thuộc hệ thần kinh trung ương.
– Cơ chế của bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh là do gián đoạn của đường dẫn truyền từ các trung tâm trên não đến các trung tâm ở tủy sống
gây ra tình trạng dễ bị kích thích của các trung tâm này, đặc biệt là trung tâm tủy cùng.
– Dựa vào cơ chế của quá trình tiểu tiện, có thể định khu một số vùng tổn thương gây ra các tình trạng bàng quang tăng hoạt khác nhau:
• Tổn thương não: Gặp trong bênh Parkinson, đột quỵ, bại não,…. Tổn thương ở trên Trung tâm tiểu tiện ở cầu não, gây ra tình trạng bàng quang tăng hoạt nhưng không có bất đồng vận bàng quang – cơ thắt, tức là bàng khi bàng quang co bóp thì cơ thắt trong cũng sẽ tự động mở ra để dễ dàng tống nước tiểu ra ngoài.
• Tổn thương tủy sống: Gặp trong chấn thương tủy, viêm tủy,… Gây ra bàng quang tăng hoạt đồng thời có bất đồng vận bàng quang, cơ thắt.
– Các phương pháp niệu động học và thăm khám thần kinh là cực kỳ quan trọng trong đánh giá các bệnh nhân có bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh, giúp xác định cơ chế hoạt động của bàng quang, cơ thắt, đồng thời giúp định hướng phương pháp điều trị phù hợp. Phương pháp điều trị được lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố : Tiên lượng bệnh, yếu tố tâm lý người bệnh, tuổi tác, học vấn, khả năng di chuyển,…
Do sự phức tạp của tình trạng bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh mà không có một tiêu chuẩn điều trị nào cụ thể mà hoàn toàn dựa vào thực tế tình trạng người bệnh. Mục tiêu chung trong điều trị bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh là bảo vệ hệ thống đường tiết niệu trên, duy trì thể tích bàng quang hợp lý, hạn chế nhiễm khuẩn tiết niệu, giảm việc sử dụng thông lưu.
– Bàng quang tăng hoạt trong các bệnh lý tổn thương thần kinh thường có tình trạng tiểu tồn dư do bàng quang không có khả năng co lại hoàn toàn trong pha bài xuất, do vậy cần tiến hành đặt thông tiểu ngắt quãng đối với các bệnh nhân tồn dư nước tiểu từ trên 100ml. Số lần đặt thông tiểu từ 4 – 6 lần/ngày phụ thuộc vào lượng nước tiểu tồn dư.
– Oxybutinin là thuốc được lựa chọn phổ biến nhất trong điều trị bàng quang tăng hoạt do nguyên nhân thần kinh vì chi phí thấp, khả năng tác động mạnh và tính sẵn có.
– Đối với các tình trạng bàng quang tăng hoạt không thể kiểm soát bằng các phương pháp thông thường, sự lựa chọn sau cùng có thể là mở thông bàng quang trên xương mu, tuy nhiên bệnh nhân cần được theo dõi sát.
Bác sĩ Nguyễn Thị Khoa – Trung tâm Đột quỵ