Viêm khớp nhiễm khuẩn

Nhân một trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn

Vừa qua, khoa Nội Thần kinh – Cơ xương khớp tiếp nhận ca bệnh vào viện vì sưng đỏ, đau nhức khớp gối trái đã điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ.

Khi khám thấy: Bệnh nhân tỉnh, sốt nóng 38,50C; sưng đỏ đau nhức khớp gối phải gây hạn chế vận động khớp gối trái nhiều, đau tăng về đêm và gần sáng, đau nhức tăng khi đi lại, các cơ quan khác chưa phát hiện bất thường. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng thấy có kết quả:

– Xét nghiệm máu: Bạch cầu: 15,3 G/L; CRP: 155 mg/l.

– Siêu âm khớp gối trái có dịch dày 1,2cm.

– Xét nghiệm dịch khớp gối: Dịch khớp gối màu vàng, gặp nhiều bạch cầu chủ yếu bạch cầu đoạn trung tính.

Bệnh nhân được chẩn đoán: Viêm khớp gối nhiễm khuẩn và được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch. Hiện tại, tình trạng bệnh đã được cải thiện, đỡ sưng đỏ đau nhức, bệnh nhân đi lại tốt hơn.

Vậy viêm khớp nhiễm khuẩn là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tổng quan về viêm khớp nhiễm khuẩn, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?

Viêm khớp nhiễm khuẩn là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp do vi khuẩn xâm nhập nội khớp, gây ra tình trạng sưng tấy, đau ở khớp có thể do vi khuẩn di chuyển qua dòng máu từ một bộ phận khác của cơ thể, cũng có thể xảy ra khi một vết thương xuyên thấu, chẳng hạn như vết cắn của động vật hoặc chấn thương, đưa vi khuẩn trực tiếp vào khớp. Nhiễm trùng có thể làm hỏng sụn và xương trong khớp một cách nhanh chóng và nghiêm trọng, vì vậy việc điều trị kịp thời là rất quan trọng.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Ai có nguy cơ bị viêm khớp nhiễm khuẩn?

Trẻ nhỏ và người già có nhiều khả năng bị viêm khớp nhiễm khuẩn. Những người có vết thương hở cũng có nguy cơ cao bị viêm khớp nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu và những người mắc các bệnh nền như ung thư, tiểu đường, lạm dụng thuốc tiêm tĩnh mạch và rối loạn suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn cao hơn.

Triệu chứng của viêm khớp nhiễm khuẩn thường gặp

Viêm khớp nhiễm khuẩn thường gây ra sự khó chịu và khó khăn khi sử dụng khớp bị ảnh hưởng. Thường có thể có những triệu chứng như:

  • Sốt.
  • Cảm thấy đau nhức dữ dội tại khớp bị viêm, đau nhiều về đêm và sáng, nhất là khi cử động khớp.
  • Các khớp bị viêm sẽ sưng đỏ và nóng.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Nguyên nhân

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể do nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm: Nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) là nguyên nhân phổ biến nhất.

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể phát triển khi cơ thể bị nhiễm khuẩn như nhiễm khuẩn da hoặc nhiễm khuẩn đường tiết niệu,… lây lan qua máu đến khớp.

Ít phổ biến hơn như vết thương do bị đâm thủng, tiêm thuốc hoặc phẫu thuật trong hoặc gần khớp, kể cả phẫu thuật thay khớp có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào khoang khớp.

05122022 viemkhop 3

Chẩn đoán

Việc chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn dựa vào các cận lâm sàng:

  • X-quang thường được thực hiện để tìm kiếm tổn thương khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ: đánh giá sự phá hủy khớp.
  • Xét nghiêm máu: giúp đánh giá mức độ nhiễm khuẩn, theo dõi tình trạng viêm.
  • Hút dịch khớp làm xét nghiệm: là xét nghiệm quan trọng nhất để chẩn đoán nhiễm khuẩn khớp, xác định xem có nhiễm khuẩn hay không và sinh vật nào gây ra nhiễm khuẩn.

Điều trị

Các phương pháp điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm sử dụng kết hợp các loại kháng sinh mạnh cũng như dẫn lưu dịch khớp bị nhiễm trùng ra khỏi khớp.

Sử dụng thuốc kháng sinh để tránh sự lây lan của nhiễm khuẩn, thời gian sử dụng và loại kháng sinh sử dụng sẽ phụ thuộc vào từng nguyên nhân và tình trạng bệnh, có thể dử dụng kháng sinh từ 2-6 tuần.

Chọc hút dịch hoặc dẫn lưu khớp dịch khớp: được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa.

05122022 viemkhop 4

Biến chứng

Viêm khớp nhiễm khuẩn không được điều trị tích cực có thể gây ra những biến chứng như:

  • Viêm xương, tủy xương.
  • Đau mãn tính.
  • Dính khớp, cứng khớp, teo cơ, giảm khả năng vận động.
  • Nhiễm trùng huyết.
  • Hoặc nặng nề hơn có thể gây tử vong.

Vì vậy, khi có các triệu chứng của viêm khớp cũng như viêm khớp nhiễm khuẩn, chúng ta cần đi khám và điều trị đúng cách để tránh những biến chứng nặng nề.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Tags :

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện