Các bác sĩ Đơn vị Can thiệp tim mạch – Trung tâm Tim mạch vừa tiến hành can thiệp hút huyết khối tái thông mạch và đặt stent cho người bệnh bị hoại tử chân nặng nề do tắc động mạch.
Người bệnh Vương Thị K 55 tuổi trú tại Hạ Hòa – Phú Thọ có tiền sử rối loạn nhịp tim, rung nhĩ nhưng không dùng thuốc thường xuyên mà tự ý mua thuốc nam về dùng.
Đến khi chân đau nhức nhiều, không đi lại được người bệnh mới đến bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ khám và điều trị.
Hình ảnh chân người bệnh trước can thiệp (hình ảnh những đốm tím hoại tử)
Người bệnh nhập viện tại Đơn vị Nội tim mạch và cấp cứu tim mạch trong tình trạng đau tức nhiều chân trái, phù nề tím, đau ngực, khó thở.
Qua thăm khám, người bệnh được chẩn đoán tắc hoàn toàn động mạch đùi nông trái do huyết khối, rối loạn nhịp tim, hoại tử chi nặng nề.
Hội chẩn với Đơn vị Can thiệp tim mạch có chỉ định can thiệp bảo tồn chi cho người bệnh. Người bệnh được chụp và can thiệp động mạch chi dưới.
Kết quả chụp động mạch chi dưới cho hình ảnh tắc hoàn toàn động mạch đùi trái do huyết khối. Người bệnh được tiến hành can thiệp để hút ra nhiều huyết khối và đặt 1 stent.
Sau can thiệp, tưới máu vùng đùi, cẳng chân và bàn chân tốt, người bệnh tiếp tục được điều trị nội khoa, dùng thuốc chống hình thành huyết khối, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu và kháng sinh.
Sau 20 ngày điều trị, người bệnh đã đi lại được.
Người bệnh đã giữ lại được chân và đi lại được sau 20 ngày can thiệp
Người bệnh K chia sẻ: “Tôi rất biết ơn các y bác sĩ đã cố gắng giữ lại chân cho tôi. Nếu như không có được sự quyết tâm, nỗ lực của các y bác sĩ bên chân của tôi đã phải cắt cụt. Đôi chân tôi được lành lặn như ngày hôm nay không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn các y bác sĩ của Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ rất nhiều.”
Bác sĩ nội trú Đỗ Viết Thắng – Phó trưởng Đơn vị Can thiệp tim mạch cho biết: Đây là một trường hợp rất khó và phức tạp do đoạn động mạch bị huyết khối gây tắc hoàn toàn động mạch đùi trái. Nếu không được can thiệp kịp thời nguy cơ phải cắt cụt chân là rất cao.
Trong quá trình can thiệp, chúng tôi cũng gặp khó khăn do huyết khối ngoại biên lớn, dính thành mạch nên việc hút huyết khối rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải được đào tạo chuyên sâu về can thiệp mạch, có nhiều kinh nghiệm thao tác thuần thục tại những vùng mạch có đường kính nhỏ, nằm sâu. Chỉ một sai sót nhỏ có thể gây tổn thương thành mạch, tăng thêm nguy cơ thuyên tắc mạch ở người bệnh.
Qua đây, bác sĩ Thắng cũng khuyến cáo: Người bệnh bị van tim, rối loạn nhịp tim (rung nhĩ) phải dùng thuốc chống đông đều đặn, tái khám định kỳ để được làm các xét nghiệm đông máu. Khi người bệnh có triệu chứng đau chân, đau cách hồi khi đi lại cần đi khám chuyên khoa tim mạch để được phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Trương Tĩnh