Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra, thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa. Dù là căn bệnh phổ biến, cúm mùa có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Vậy cúm mùa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng tránh ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Cúm mùa là căn bệnh thường gặp nhưng không thể xem nhẹ
Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh do virus cúm gây ra, chủ yếu thuộc ba chủng A, B và C. Trong đó, virus cúm A và B là hai loại gây ra dịch cúm mùa hàng năm, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.
Bệnh có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus.
Triệu chứng của bệnh cúm mùa
Người mắc cúm mùa thường có các triệu chứng thường gặp như:
- Sốt cao đột ngột
- Đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh
- Đau họng, ho khan
- Nghẹt mũi, chảy nước mũi
- Đau cơ, nhức mỏi toàn thân
Ở người khỏe mạnh, bệnh thường tự khỏi sau 5-7 ngày. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, người già hoặc người có bệnh lý nền, cúm mùa có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.
Một số triệu chứng của bệnh cúm mùa
Nguyên nhân và cách lây lan bệnh cúm mùa
Cúm mùa chủ yếu lây lan qua giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Ngoài ra, virus có thể tồn tại trên bề mặt vật dụng như tay nắm cửa, bàn ghế, điện thoại… và lây truyền qua tiếp xúc tay – mắt, tay – mũi.
Virus cúm mùa rất dễ lây lan
Bệnh cúm mùa có nguy hiểm không?
Câu trả lời là cúm mùa rất nguy hiểm. Cúm mùa đã trở thành một vấn đề y tế toàn cầu, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, với gần 650.000 ca tử vong mỗi năm – tức là mỗi phút trôi qua, có ít nhất một người thiệt mạng vì cúm.
Mỗi năm, căn bệnh này ảnh hưởng đến khoảng 1 tỷ người, trong đó từ 3 – 5 triệu ca có diễn biến nghiêm trọng. Bệnh có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, nhưng trẻ em và người cao tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm.
Cách phòng ngừa cúm mùa hiệu quả
- Tiêm vắc – xin cúm: Đây là biện pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm.
- Giữ vệ sinh cá nhân: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang: Giúp hạn chế tiếp xúc với virus khi đến nơi đông người.
- Bổ sung dinh dưỡng: Ăn uống lành mạnh, đủ vitamin giúp tăng cường sức đề kháng.
- Tập thể dục đều đặn: Duy trì sức khỏe tốt giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus.
Đặc biệt, nếu có các dấu hiệu như sốt cao liên tục, khó thở, đau ngực, mệt mỏi kéo dài hoặc triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày, bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ
Hotline: 1800 888 989
Tác giả: BS.CKII Nguyễn Thị Thanh Lý
Cộng sự: Đỗ Hằng