Chăm sóc bàn chân tiểu đường tại nhà một cách tốt nhất đã được các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ hướng dẫn trong bài viết dưới đây.
Qua bài viết này sẽ giúp phòng ngừa biến chứng loét chân trên người bệnh tiểu đường, đái tháo đường.
Chăm sóc bàn chân tiểu đường là việc cần thiết mỗi ngày
Người bệnh tiểu đường thường có biến chứng thần kinh ngoại biên đi kèm, làm mất cảm giác.
Do đó, khi có vết thương hay trầy xước, thậm chí vết bỏng hoặc dẫm phải đinh…người bệnh đều không hề hay biết.
Vì thế, phải kiểm tra bàn chân hàng ngày để tránh bỏ sót các vết thương nhỏ hay mới xảy ra.
Những tổn thương nhỏ trên bàn chân có thể gây loét chân và nguy hiểm hơn là đưa tới cắt cụt chân người bệnh tiểu đường.
Dưới đây là những hướng dẫn chia sẻ về chăm sóc bàn chân cho người bệnh tiểu đường nên thực hiện hàng ngày:
– Rửa chân hàng ngày
– Rửa chân bằng nước ấm.
– Kiểm tra nước ấm bằng cùi chỏ, không dùng bàn tay để thử nhiệt độ của nước.
– Không nhúng chân vào để thử nước ấm hay lạnh. Vì như đã nói ở trên: người bệnh tiểu đường có thể đã mất cảm giác do đó không phân biệt được nóng lạnh.
– Giữ chân khô ráo
– Sau khi rửa chân, cần lau chân cho khô, đặc biệt giữa các ngón chân.
Đây là việc làm đơn giản trong chăm sóc bàn chân tiểu đường hàng ngày.
Chân ẩm ướt là cơ hội cho vi trùng sinh sống
Giữ da mềm mại
Nếu da bạn khô, có thể cần sử dụng sản phẩm làm mềm da như kem dưỡng ẩm, tuy nhiên không được thoa vào vùng giữa các kẽ chân.
Kiểm tra chân mỗi ngày
Kiểm tra bàn chân kỹ lưỡng hàng ngày để phát hiện các bất thường.
Người bệnh có thể tự soi gương để kiểm tra hay nhờ người khác giúp nếu cần thiết.
Kiểm tra chân để phát hiện những cục chai, xuất hiện bóng nước, vết thương, trầy xước hay sưng nề…
Chăm sóc móng chân
Bạn phải rất cẩn thận trong việc chăm sóc móng chân:
– Không được cắt khóe móng, chỉ nên cắt ngang móng và dũa.
– Nếu móng chân quặp vào nền móng bên dưới gây đau hay thậm chí sưng, loét…thì phải gặp Bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường, chấn thương chỉnh hình để điều trị đúng cách.
Chọn tất thích hợp
– Để tránh gây ra những bóng nước và các tổn thương khác ở bàn chân, người bệnh đái tháo đường phải lựa tất mềm, cotton, không có đường may nối dày.
– Không nên mang tất quá chật.
Chọn giày phù hợp
– Người bệnh nên mang giày để tránh chân bị tổn thương.
– Nên chọn giày không quá chật.
– Khi mua giày, bạn nên mua vào buổi chiều, lúc đó bàn chân hơi to lên một tí, việc chọn giày sẽ phù hợp hơn, tránh được việc lựa giày quá chật.
– Giày phải bít mũi và gót chân.
– Có thể chọn dép có quai hậu nhưng mũi phải được bọc kín.
Không đi chân trần (chân không)
Một trong những lưu ý quan trọng về việc chăm sóc bàn chân tiểu đường là không đi chân không (chân trần) dù là ở trong nhà.
Những hạt cát hay vật bé nhỏ cũng có thể dễ dàng gây ra các tổn thương ở chân cho người bệnh tiểu đường.
Kiểm tra giày trước khi mang
Trước khi đưa chân vào giày, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng bên trong giày.
Phải chắc chắc rằng không có bất cứ vật nhọn hay sỏi, cát… ở bên trong giày.
Vì bàn chân của người tiểu đường đã mất cảm giác nên người bệnh sẽ không phát hiện các vật nhọn bên trong đâu.
Lật xem phần đế giày: Có cây đinh hay vật nhọn nào cắm xuyên qua hay không? Đã có trường hợp người bệnh dẫm phải đinh mà vẫn không biết…
Những ghi nhớ khác về chăm sóc bàn chân tiểu đường:
Người bệnh đái tháo đường không tự ý điều trị các vết chai và sẹo ở bàn chân.
Không hút thuốc lá vì hút thuốc lá sẽ gây xơ vữa mạch máu làm giảm lượng máu nuôi ở chân.
Người bệnh đái tháo đường nên tập thể dục bàn chân hàng ngày.
Làm động tác xoay cổ chân giúp tăng cường máu tuần hoàn đến bàn chân và chân luôn được linh hoạt..
Thay phiên động tác này ở hai bên chân.
Tập mỗi ngày 2 lần. Các môn thể dục như đi bộ giúp cải thiện tuần hoàn máu và sức khỏe nói chung.
Nhân viên y tế nên hướng dẫn người bệnh chọn các môn thể thao phù hợp.
Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ