Suy thận mạn (chronic renal failure) là hậu quả của các bệnh thận mạn tính, gây giảm sút số lượng nephron từ từ và làm giảm dần mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% (60 ml/ phút) thì được coi là suy thận mạn. Suy thận mạn gây rối loạn chuyển hoá và giảm đào thải nitơ như ure, acid uric, creatinin…Chế độ ăn uống và dinh dưỡng chiếm một phần quan trọng trong điều trị người bệnh mắc bệnh thận mạn tính (CKD) giúp hạn chế tăng ure máu và làm chậm quá trình suy thận mạn tính. Chế độ ăn phải tuỳ theo từng giai đoạn của suy thận mạn tính và từng bệnh nhân có lọc máu hay không, dựa trên các nguyên tắc sau:
Protein:
- Phải giảm protein trong khẩu phần và dùng protein có giá trị sinh học cao để hạn chế tăng urê máu, chủ yếu là dùng nguồn protein động vật như protein của trứng, sữa, thịt, cá… Các nguồn protein thực vật như protein của gạo, ngô, đậu đỗ… phải hạn chế.
- Lượng protein phụ thuộc vào mức độ suy thận hoặc có thể tính lượng protein được ăn trong ngày cho các mức độ suy thận như sau:
- Protein/ ngày = protein niệu / 24 h *
Năng lượng:
- Cần ăn đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể để tránh giáng hoá protein và có thể hạn chế ure máu tăng. Trung bình năng lượng ở mức 30 – 35 kcal/ kg/ ngày.
- Chất bột: nên sử dụng các chất bột ít chất đạm như bột sắn, mì miến, khoai củ (bột sắn dong, bột sắn dây, miến dong …).
- Ăn ít gạo, mì, ngô … vì có nhiều đạm thực vật.
Lipid:
- Nên chiếm từ 20 – 25% năng lượng khẩu phần. Trong đó 1/3 acid béo không no một nối đôi và 1/3 acid béo không no nhiều nối đôi. Một số nghiên cứu cho rằng acid béo không no, nhiều nối đôi có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của suy thận mạn tính..
Vitamin và chất khoáng:
- Chế độ ăn đầy đủ các vitamin và chất khoáng. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt, vitamin B12, acid folic, vitamin B6… để chống thiếu máu cho bệnh nhân; giàu các vitamin nhóm B để chuyển hoá năng lượng của khẩu phần.
- Có thể dùng các loại rau, quả nhưng nên giảm những loại rau có hàm lượng đạm cao.
Đảm bảo cân bằng nước, muối
- Ăn giảm muối khi có phù, tăng huyết áp, suy tim. Trung bình 2 – 4 g muối / ngày.
- Chọn những thực phẩm có tính kiềm, thực phẩm nào chứa nhiều Ca sẽ có tính kiềm, ngược lại nếu chứa nhiều P sẽ có tính acid.
- Lượng nước hàng ngày = lượng nước tiểu/ 24giờ + ( 500 – 700 ml ) ở người lớn.
- Lượng nước hàng ngày = lượng nước tiểu/ 24 giờ + 200 ml ở trẻ em.