Chuột rút và cách xử trí

Chuột rút là tình trang co thắt liên tục, không chủ ý, gây đau đớn của một hoặc nhiều nhóm cơ. Chuột rút có thể kéo dài từ vài phút đến vài giây. Tình trạng này có thể xảy ra trên người khỏe mạnh hoặc khi có bệnh lý nào đó. Điều quan trọng cần lưu ý là một cơn chuột rút chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể không có nghĩa là do nguyên nhân cục bộ mà có thể do những bệnh lý toàn thân.

chuột rút

Nguyên nhân chuột rút

  1. Chuột rút chân về đêm

Chuột rút ở chân về đêm ảnh hưởng đến khoảng 37% dân số ở Mỹ trên 60 tuổi. Hội chứng hay còn gọi là chứng chuột rút ở chân khi ngủ. Vùng cơ bị ảnh hưởng nhiều nhất là bắp chân. Chuột rút ban đêm làm giảm chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chẩn đoán tương đối đơn giản: chuột rút và đau chân vào ban đêm, có thể biến mất khi các cơ liên quan bị kéo căng. Một số nguyên nhân có thể là do các hoạt động mà người đó phải đứng nhiều tại nơi làm việc hoặc thực hiện nhiều nỗ lực thể chất trong ngày. Các yếu tố ảnh hưởng có thể bao gồm rối loạn điện giải hoặc rối loạn thần kinh, rối loạn nội tiết tố và chuyển hóa, chèn ép rễ thần kinh hoặc chèn ép mạch máu.

Các yếu tố ảnh hưởng khác có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc liên tục, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta và statin. Trên khảo sát điện sinh lý, các cơ bị chuột rút có ngưỡng kích hoạt thấp hơn. Trên thực tế chuột rút về đêm ở những người trên 60 tuổi thường là do nguyên nhân thần kinh. Tuổi cao liên quan với sự thoái hóa của các tế bào thần kinh, tạo ra sự mất phối hợp thần kinh cơ ở chi dưới nhiều hơn ở chi trên. Rối loạn này còn liên quan đến một số bệnh lý khác, chẳng hạn như suy tim, ngưng thở về đêm và hội chứng trầm cảm. Các triều chứng có thể được cải thiện bằng biện pháp xoa bóp sâu hoặc kéo giãn.

  1. Chuột rút chân ở phụ nữ mang thai

Chuột rút cơ ở phụ nữ khi mang thai rất phổ biến, chiếm khoảng 50%; đặc biệt là trong 3 tháng cuổi và thường xảy ra về đêm.

Nguyên nhân chính xác của tình trạng này chưa rõ ràng. Đó có thể là sự thay đổi chức năng thần kinh cơ, tăng cân quá mức, chèn ép dây thần kinh ngoại vi, không đủ máu đến cơ và tăng hoạt động của các cơ ở chi dưới. Ngoài ra có thể do tăng mức lọc cầu thận và nhu cầu nhận khoáng chất của thai nhi, so với nhu cầu cơ ở bắp chân của người mẹ, dẫn đến việc thiếu hụt canxi và magiê.

  1. Chuột rút cơ liên quan đến tập thể dục

Chuột rút cơ bắp do tập thể dục là hiện tượng thường xảy ra trong hoặc sau khi hoạt động thể chất. Hiện tại, có hai giả thuyết tồn tại:

Thứ nhất, liên quan đến mất nước và mất cân bằng điện giải.

Thứ hai, là do liên quan đến rối loạn thần kinh ngoại biên thoáng qua.

  1. Hội chứng chuột rút nhà văn (Writer Cramp)

Hội chứng chuột rút nhà văn là chứng loạn trương lực cụ thể của bàn tay dùng để viết, thường gặp ở lứa tuổi 30 đến 50. Các nghiên cứu gần đây chứng minh những bất thường khác nhau của mạng lưới thần kinh trung ương, cả về hoạt động lẫn thể tích, thay đổi liên quan đến một số vùng của vỏ não, tiểu não và hạch nền.

  1. Bệnh thận giai đoạn cuối

Người bệnh suy thận mạn lọc máu thường xuyên bị co cứng cơ, chiếm tới 50%, đặc biệt ở chi dưới. Sự xuất hiện của chuột rút có thể xảy ra trong quá trình lọc máu hoặc tại nhà. Chuột rút ở nhóm bệnh nhân này có thể dẫn đến trầm cảm, suy giảm chất lượng cuộc sống và rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân của chuột rút ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo là không rõ ràng.

Một nguyên nhân có thể là sự hiện diện của bệnh đa dây thần kinh, điển hình trong những bệnh nhân chạy thận, với sự thay đổi về hình thái và chức năng của các sợi thần kinh ngoại vi. Ghép thận làm giảm đáng kể sự xuất hiện chuột rút.

  1. Xơ cột bên teo cơ

Khoảng 95% bệnh nhân mắc bệnh xơ cột bên teo cơ bị chuột rút. Tần suất và cường độ của các cơn chuột rút không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh. Nguyên nhân của những cơn chuột rút này liên quan tới tình trạng quá kích thích của tế bào thần kinh.

  1. Xơ gan

Chuột rút cơ ở nhóm bệnh nhân này chiếm tỷ lệ cao (88%). Sự xuất hiện chuột rút khác nhau tùy thuộc vào vùng cơ: đùi (43%), bắp chân (70%), ngón chân (50%), cơ bụng (12%) và ngón tay (74%).

  1. Bệnh tiểu đường

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, sự xuất hiện của chứng chuột rút có liên quan đến khả năng bị kích thích quá mức của dây thần kinh ngoại biên. Bệnh tiểu đường type 1 có tỷ lệ chuột rút thấp hơn (khoảng 60%) so với bệnh tiểu đường type 2 (khoảng 80%). Ở bệnh tiểu đường type 2, bệnh thận là một yếu tố khác gây ra chuột rút. Một nguyên nhân có thể khác là sự thay đổi mạch máu ngoại vi, tạo ra các đợt thiếu máu cục bộ và chuột rút.

  1. Đau xơ cơ

Một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút ở nhóm bệnh nhân này là tình trạng hệ thần kinh ngoại biên bị kích thích quá mức. Theo nghiên cứu gần đây, sự hiện diện của chuột rút và sự thay đổi thần kinh ngoại biên có mối quan hệ trực tiếp với mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Phòng ngừa chuột rút

Phòng ngừa ở những đối tượng khỏe mạnh bao gồm khởi động đúng cách trước khi hoạt động thể chất, điều chỉnh tư thế không phù hợp và cung cấp đủ nước.

Kéo căng cơ bắp của bạn. Kéo dài trước và sau khi bạn sử dụng bất kỳ cơ nào trong một thời gian dài. Nếu bạn hay bị chuột rút vào ban đêm, hãy duỗi người trước khi đi ngủ. Tập thể dục nhẹ, chẳng hạn như đi xe đạp tại chỗ trong vài phút trước khi đi ngủ, cũng có thể giúp ngăn ngừa chứng chuột rút khi bạn đang ngủ.

Tránh mất nước. Uống nhiều nước mỗi ngày. Số lượng phụ thuộc vào những gì bạn ăn, giới tính, mức độ hoạt động, thời tiết, sức khỏe, tuổi tác và thuốc bạn dùng. Nước giúp cơ bắp của bạn co lại và thư giãn, đồng thời giữ cho các tế bào cơ ngậm nước và ít bị kích thích hơn. Trong khi hoạt động, hãy bổ sung nước đều đặn và tiếp tục uống nước hoặc các chất lỏng khác sau khi kết thúc.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Nếu bạn bị chuột rút, những hành động này có thể giúp giảm đau:

Kéo dài và xoa bóp. Kéo căng cơ bị chuột rút và nhẹ nhàng xoa bóp để giúp cơ được thư giãn. Đối với chuột rút ở bắp chân, hãy dồn trọng lượng của bạn lên chân bị chuột rút và hơi khuỵu đầu gối. Nếu bạn không thể đứng vững, hãy ngồi trên sàn hoặc trên ghế với chân bị đau duỗi ra.

Thử kéo phần trên bàn chân của bạn về phía đầu trong khi chân bạn vẫn ở tư thế duỗi thẳng. Điều này cũng sẽ giúp xoa dịu chứng chuột rút ở đùi sau (gân kheo). Đối với chuột rút ở đùi trước (cơ tứ đầu), hãy dùng một chiếc ghế để giữ thăng bằng và thử kéo bàn chân của bạn ở bên bị đau về phía mông.

Chườm nóng hoặc lạnh. Sử dụng một chiếc khăn ấm hoặc miếng đệm sưởi ấm trên các cơ căng hoặc chặt. Tắm nước ấm hoặc hướng vòi sen nước nóng vào cơ bắp bị chuột rút cũng có thể hữu ích. Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị chuột rút cơ nghiêm trọng, thường xuyên và không thuyên giảm khi tự làm các biện pháp chăm sóc tại nhà, để được tư vấn, tìm nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật