Công nghệ plasma có khả năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như bảo quản thực phẩm, chế tạo linh kiện điện tử, xử lý bề mặt sơn phủ… Trong y học, plasma được sử dụng để xử lý bề mặt các vật liệu cấy ghép, tiệt trùng dụng cụ y tế, điều trị vết thương, đặc biệt là đối với người bệnh sau phẫu thuật. Hiện nay, công nghệ plasma đã được ứng dụng trong công tác điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, đem lại những hiệu quả tối ưu cho người bệnh.
Plasma là gì?
Plasma là trạng thái thứ 4 của vật chất (ngoài 3 thể thường gặp là rắn, lỏng, khí), trong đó các chất bị ion hóa mạnh. Plasma không phổ biến trên trái đất, tuy nhiên trên 99% vật chất thấy được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma, vì thế trong 4 trạng thái vật chất, plasma được xem như trạng thái đầu tiên trong vũ trụ.
Theo tính chất nhiệt động lực học, plasma được chia thành 2 loại gồm Plasma nóng (thermal plasma) và Plasma lạnh (cold plasma). Trong đó, Plasma lạnh đã được ứng dụng rộng rãi trong y học và được đánh giá là tác nhân quan trọng tạo ra cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực y sinh.
Những ứng dụng của plasma trong y học
Hỗ trợ điều trị vết thương
Ứng dụng quan trọng nhất của plasma là hỗ trợ điều trị vết thương, đặc biệt là các vết thương chậm lành, nhiễm khuẩn. Sở dĩ như vậy vì plasma có khả năng tiêu diệt các vi sinh vật cản trở quá trình liền vết thương như vi khuẩn, virus và nấm.
Đặc biệt, không chỉ tiêu diệt vi khuẩn thường, plasma còn tiêu diệt được vi khuẩn kháng kháng sinh do plasma là tác nhân vật lý và đa tác nhân nên vi khuẩn không thể biến đổi để hình thành khả năng kháng plasma. Điều này vô cùng hữu ích trong bối cảnh số lượng vi khuẩn kháng kháng sinh có xu hướng gia tăng mạnh như hiện nay.
Plasma giúp hỗ trợ điều trị vết thương
Bên cạnh đó, plasma giúp tạo nên một lớp màng protein trên bề mặt vết thương, chống vi khuẩn tái xâm nhập. Plasma cũng giúp cơ thể giải phóng các yếu tố hỗ trợ liền vết thương nhanh hơn như tăng lưu thông máu, tăng sinh tân mạch, tiêu diệt nội độc tố, giảm viêm, giảm đau, tăng sinh tế bào, tăng sinh collagen, kích thích tái tạo biểu bì…
Do đó, có thể dùng plasma điều trị các vết thương cấp tính như bỏng, vết mổ, các vết thương mạn tính (loét do đái tháo đường, loét do tì đè, loét do nằm lâu…), ứng dụng trong da liễu (điều trị nấm, chàm…) và thẩm mỹ (chữa mụn trứng cá, vết thương sau phẫu thuật thẩm mỹ).
Sử dụng để tiệt trùng
Với khả năng tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, plasma còn được sử dụng để xử lý bề mặt các vật liệu cấy ghép và tiệt trùng dụng cụ y tế, tiệt trùng phòng mổ, buồng bệnh…
Ứng dụng công nghệ plasma tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, công nghệ plasma đã được ứng dụng thường quy trong điều trị vết thương sau phẫu thuật cho người bệnh, đem lại những hiệu quả vượt trội như: Giảm đau, giảm sưng, diệt khuẩn, chống nhiễm trùng vết mổ, kích thích tái tạo tế bào giúp vết thương mau lành, nhanh liền sẹo, không ảnh hưởng đến các lớp da sâu, mô cận kề, không tác dụng phụ và không gây kích ứng, giúp tối ưu hiệu quả của quá trình điều trị và hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật.
Chiếu tia plasma điều trị vết thương sau phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ
Bên cạnh công nghệ Plasma, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ còn ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại hàng đầu hiện nay trong công tác khám chữa bệnh như Spect-CT, cộng hưởng từ 3.0, công nghệ vi phẫu, trí tuệ nhân tạo… giúp người bệnh có cơ hội được chẩn đoán nhanh, chính xác và áp dụng những phác đồ điều trị hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian điều trị.
Không chỉ quy tụ đội ngũ cán bộ y tế trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ còn liên tục cập nhật, ứng dụng những thành tựu mới trong y học vào công tác khám chữa bệnh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, xứng đáng là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và các tỉnh lân cận..