Trước khi vào viện 30 phút, bà L.T.T 93 tuổi xuất hiện triệu chứng khó thở sau đó bất tỉnh, bà được người nhà đưa thẳng vào Khoa Cấp Cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng tim, ngừng thở. Tại đây NB nhanh chóng được toàn ekip trực cấp cứu tiến hành hồi sinh tim phổi nâng cao. Sau 20 phút NB có tim đập trở lại và tiếp tục được điều trị tích cực bằng các phương pháp hiện đại như thở máy, thuốc vận mạch, trợ tim, điều chỉnh toan kiềm, hội chẩn khoa Tim mạch can thiệp chụp mạch vành cấp cứu.
Kết quả chụp ĐMV: Hẹp lan toả 70% động mạch vành trái, hẹp 70% động mạch vành phải
Đây là một trường hợp ngừng tuần hoàn trên NB cao tuổi nên tiên lượng khó khăn, quá trình điều trị sau cấp cứu thành công các bác sĩ khoa Cấp Cứu rất nỗ lực trong việc kiểm soát đường hô hấp, điều chỉnh các thông số máy thở phù hợp với NB nhằm đảm bảo oxy máu, giảm thiểu tổn thương thêm cho NB. Việc theo dõi điều trị rất tích cực và sát sao.
Sau hơn một ngày điều trị NB đã nhận biết được và có nhiều chuyển biến tích cực. Sau một tuần NB được bỏ thở máy chuyển sang thở oxy lưu lượng dòng cao (HFnC).
Đến ngày 9/5/2023, sau gần 2 tuần điều trị NB đã hoàn toàn bình phục, không có di chứng trên các cơ quan đặc biệt là não, các xét nghiệm trở về mức bình thường. NB được ra viện trong niềm vui và phấn khởi không chỉ của riêng gia đình NB mà của cả các nhân viên y tế khoa Cấp Cứu.
Hình ảnh vui tươi của cụ L.T.T trước khi ra viện
Theo Bs.CKI Hoàng Hồng Quang – Phó khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ: “Ngừng tuần hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nguyên nhân, ngay cả ở những người chưa bao giờ phát hiện ra bệnh tim mạch trước đây. Khi ngừng tuần hoàn có thể gây ra tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn trong vài phút.Tuy nhiên nếu được nhận biết sớm và tích cực cấp cứu nhanh, đúng cách thì vẫn có thể giữ được tính mạng và tránh được các di chứng đặc biệt là di chứng thần kinh.
Vì thế ngay khi phát hiện người thân có dấu hiệu: đột ngột mất ý thức, ngừng thở hoặc thở ngáp, không có dấu hiệu mạch đập hãy đưa ngay đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời, đồng thời người dân cần đi khám sức khỏe định kì, quản lí các bệnh mạn tính tại các phòng khám chuyên khoa tránh các diễn biến nặng, nguy hiểm của bệnh.