Biến chứng mắt ở người bệnh Đái tháo đường – 4 điều bạn cần chú ý

Biến chứng mắt ở người bệnh đái tháo đường có thể gây nên bệnh đục thủy tinh thể, glocom (tăng nhãn áp), giảm khả năng tập trung thị lực, chứng song thị và đặc biệt là bệnh võng mạc đái tháo đường. Để biết rõ nguyên nhân và cách điều trị hãy cùng nghe tư vấn của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Hơn 50% người mắc bệnh đái tháo đường không biết bệnh của mình, do vậy thường để lại biến chứng tiểu đường đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

Đái tháo đường type 1 sau 5 năm có tới 25% người bệnh mắc bệnh võng mạc đái tháo đường, sau 10 năm là 60%. Đái tháo đường type 2 biến chứng mắt có thể xuất hiện ngay tại thời điểm chẩn đoán bệnh với tỉ lệ là 5% – 20%, sau 5 năm là 40% mắc bệnh võng mạc đái tháo đường.

Người bệnh mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ mù loà tăng gấp 20 – 30 lần so với người cùng tuổi và cùng giới. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và gây mù lòa ở các nước phát triển.

1. Nguyên nhân gây ra các biến chứng mắt ở người bệnh Đái tháo đường

Do tình trạng tăng đường máu kép dài dẫn đến tổn thương mạch máu rộng khắp cơ thể, biểu hiện rõ nhất ở các vi mạnh máu, trong đó có các mạch máu võng mạc. Ngoài ra có 2 nguyên nhân là sự tắc nghẽn vi mạch máu và sự rò rỉ.

– Tổn thương thành mạch võng mạc biểu hiện bằng mất tế bào nội mạch, màng đáy dày lên, các vi phình mạch, thành mạch bị xơ hóa, rối loạn chức năng, tắc mạch gây giảm khả năng tưới máu, thiếu oxy tổ chức, thành mạch có thể vỡ gây xuất huyết, tính thấm thành mạch tăng gây xuất tiết.

– Những tắc mạch gây thiếu máu, kích thích tăng sinh các mạch máu mới còn gọi là tân mạch. Các mạch máu mới này rất yếu, dễ dàng vỡ bất cứ lúc nào, gây xuất huyết võng mạc giảm thị lực.

2. Triệu chứng của bệnh mắt ở người bệnh đái tháo đường

Trong giai đoạn đầu có thể không có, khi bệnh tiến triển hơn có thể gặp các triệu chứng như:

  • Cảm giác có đốm đen (ruồi bay), hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
  • Nhìn mờ
  • Hình ảnh dao động
  • Thấy những vùng đen hoặc vùng trống trong cảnh vật
  • Mù mắt
  • Mất cảm nhận màu sắc

Biến chứng mắt ở người bệnh Đái tháo đường

Biến chứng mắt ở người bệnh Đái tháo đường

3. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng mắc bệnh mắt ở người bệnh đái tháo đường bao gồm:

  • Thời gian bị bệnh đái tháo đường, bệnh càng lâu càng có nguy cơ bị biến chứng ở đáy mắt.
  • Glucose huyết không ổn định.
  • Tăng cholesterol máu
  • Tăng huyết áp
  • Hút thuốc lá
  • Mang thai

4. Các biện pháp can thiệp dự phòng và điều trị biến chứng mắt của bệnh đái tháo đường

Khoảng 80% kết quả trong các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, phần lớn các trường hợp bệnh đái tháo đường type 2 có thể dự phòng và làm chậm các biến chứng trong đó có biến chứng mắt, bằng việc duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, không hút thuốc, duy trì trọng lượng cơ thể và hoạt động thể chất thường xuyên.

Các biện pháp can thiệp dự phòng biến chứng mắt:

Khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường từ đó phát hiện sớm bệnh võng mạc đái tháo đường. Điều trị sớm từ lúc thị lực ít bị ảnh hưởng, điều đó mang lại hiệu quả rất lớn.

Thực hiện lối sống lành mạnh: Thay đổi chế độ ăn, giảm lượng muối, chất béo và đường; giảm cân nếu bị thừa cân, thể dục đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần, dừng hút thuốc lá, giảm bia rượu.

Quản lý chặt chẽ bệnh đái tháo đường bao gồm: Kiểm soát đường máu , HbA1c < 7%, kiểm soát huyết áp và mỡ máu. Cá thể hóa điều trị đái tháo đường tùy từng người bệnh. Dùng thuốc theo đúng chỉ định bác sĩ.

Khám mắt định kỳ hàng năm hoặc ít nhất 2 năm 1 lần nếu không phát hiện dấu hiệu bất thường. Khám mắt ở người bệnh Đái tháo đường type 2 ngay từ lúc mới được chẩn đoán và sau đó mỗi năm 1 lần bởi bác sĩ chuyên khoa mắt. Đối với người bệnh Đái tháo đường type 1 chỉ định khám đáy mắt 5 năm sau khi chẩn đoán. Nếu người bệnh đường máu ổn định tốt, huyết áp không cao, không có rối loạn mỡ máu bác sĩ có thể quyết định khám lại đáy mắt sau 2-3 năm.

Phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường khi mang thai nên khám mắt toàn diện trong ba tháng đầu và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ và trong một năm sau sinh.

Giáo dục nâng cao kiến thức về bệnh và phòng chống bệnh

Khám mắt định kỳ đối với những người mắc bệnh đái tháo đường
                        Khám mắt định kỳ đối với những người mắc bệnh đái tháo đường

Điều trị biến chứng mắt ở người bệnh đái tháo đường

Điều trị bệnh mắt đái tháo đường phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các thầy thuốc chuyên khoa mắt, nội tiết và tim mạch. Tùy thuộc vào tổn thương của bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Điều trị có kết quả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ngoài việc điều trị tại mắt thì điều trị nội khoa, trong đó kiểm soát đường máu và huyết áp là hết sức cần thiết .

Với những tiến bộ vượt bậc trong điều trị các bệnh dịch kính, võng mạc nói chung, bệnh võng mạc đái tháo đường nói riêng. Trong điều trị bệnh võng mạc đái tháo đường ngoài sử dụng laser võng mạc hay cắt dịch kính, ngày nay đã đưa một số phương pháp điều trị mới như phương pháp sử dụng cocticoid hoặc các thuốc ức chế tân mạch (VEGF) .

Kết luận: 

Biến chứng mắt, là biến chứng xuất hiện sớm và hay gặp, có chiều hướng ngày một gia tăng, làm ảnh hưởng về kinh tế, tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Thị lực bị mất do bệnh võng mạc tiểu đường đôi khi không thể đảo ngược. Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm có thể giảm 95% nguy cơ mù lòa. Hãy bảo vệ đôi mắt của chính bạn.

Để biết thêm thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường – Tầng 7 – Nhà D

Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ

Hotline: 1800 888 989

Bs. Lê Thị Phương Dung – Cao Thủy

Nguồn tham khảo :

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Dịch vụ Bệnh viện