Theo số liệu từ Bộ Y tế, tại Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người bị đái tháo đường nhưng chỉ khoảng 35% được chẩn đoán, còn lại không biết mình mắc bệnh.
Người bệnh đái tháo đường nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì có nguy cơ bị các biến chứng cấp tính như: hôn mê (tăng áp lực thẩm thấu, toan ceton hay hạ đường máu) hoặc các biến chứng mãn tính như các bệnh tim mạch, bàn chân, mắt.. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu bệnh đái tháo đường để có những biện pháp ứng phó kịp thời là vô cùng quan trọng.
Bệnh đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.
Các biểu hiện của bệnh đái tháo đường ở giai đoạn đầu là rất khó xác định, dễ nhầm lẫn với triệu chứng các bệnh khác. Tuy nhiên, nếu quan tâm và thường xuyên theo dõi sức khỏe, thì có thể phát hiện được bệnh đái tháo đường từ sớm.
Việc phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời và liên tục sẽ giúp giảm những nguy cơ biến chứng nguy hiểm như: mạch máu lớn (Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận), hay các mạch máu nhỏ (bệnh lý võng mạc gây mù mắt, bệnh lý mạch máu ngoại vi dẫn đến đoạn chi) và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Những dấu hiệu nhận biết bệnh đái tháo đường
-
Khát nước nhiều
Luôn khát nước hay muốn uống nước thường xuyên chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường có lượng đường trong máu cao hơn bình thường. Vì vậy, thận cần phải tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Tình trạng này khiến cơ thể sử dụng nhiều nước hơn, thậm chí còn rút nước ra từ mô của cơ thể, khiến người bệnh liên tục cảm thấy khát vì mất nhiều nước. Bộ não sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước hơn.
-
Đi tiểu nhiều lần
Một người bình thường đi tiểu từ bốn đến bảy lần trong 24 giờ, nhưng những người mắc bệnh đái tháo đường do đường máu cao có thể đi nhiều hơn bình thường do quá trình đào thải lượng đường dư ra khỏi cơ thể. Điều này khiến thận luôn hoạt động “hết công suất”, và bạn sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.
-
Sụt cân không lý do
Nếu vẫn trong chế độ ăn uống và sinh hoạt bình thường mà bạn bị sụt cân không rõ nguyên nhân thì có thể là do bị đái tháo đường. Điều này xảy ra khi lượng đường glucose bị đào thải qua nước tiểu quá nhiều. Mặt khác, cơ thể không thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng nên phải lấy năng lượng từ mỡ và cơ. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tiêu mỡ và sụt cân.
-
Đói và mệt mỏi
Tương tự như sụt cân, việc đói và suy nhược có thể là do cơ thể gặp khó khăn trong việc chuyển hóa năng lượng và hấp thu dưỡng chất. Cơ thể không đủ năng lượng sẽ khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. Quá trình hấp thu dưỡng chất kém khiến bạn luôn cảm thấy đói bụng và thèm ăn.
-
Giảm thị lực
Một trong những biến chứng của đái tháo đường là suy giảm thị lực và gây ra các bệnh về mắt. Nếu đột nhiên nhìn không rõ, mờ mắt không hiểu vì sao thì có khả năng là bạn đã mắc bệnh tiểu đường.
-
Suy giảm miễn dịch
Khi bị đái tháo đường, hệ thống miễn dịch suy giảm khiến sức đề kháng yếu đi. Lúc này, cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, sẩn ngứa không rõ nguyên nhân.
Làm gì khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu của bệnh đái tháo đường?
Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu của bệnh đái tháo đường như trên, người bệnh nên chủ động đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời
Để được thực hiện xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh đái tháo đường, người bệnh có thể lựa chọn dịch vụ xét nghiệm tại nhà hoặc đến trực tiếp Trung tâm xét nghiệm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Với đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm chuyên sâu cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, Trung tâm Xét nghiệm – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ mang đến kết quả xét nghiệm chính xác, thời gian phản hồi nhanh chóng, phân tích đa dạng và dịch vụ chuyên nghiệp cho người bệnh.
Mọi chi tiết, Quý vị vui lòng liên hệ:
Tổng đài CSKH: 1800.888.989