Bệnh đái tháo đường – làm sao để nhận biết bệnh sớm?

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng và có xu hướng trẻ hóa dần. Bệnh đái tháo đường không được phát hiện và điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng trên tim mạch, thận, mắt và hệ thần kinh… trở thành mối lo ngại lớn cho cộng đồng. Việc nâng cao nhận thức về các triệu chứng của bệnh sẽ giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bệnh đái tháo đường - làm sao để nhận biết bệnh sớm?

Bệnh đái tháo đường là gì?

Đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose máu mạn tính do khiếm khuyết về insulin, về tác động của insulin hoặc cả hai.

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể người bệnh không thể tự chuyển hóa các chất bột đường, protide, lipide từ thực phẩm ăn vào hàng ngày để tạo ra năng lượng. Điều này dẫn đến sự tích tụ lượng đường trong máu tăng dần theo thời gian. Khi đường huyết luôn ở mức cao, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch sẽ gia tăng, đồng thời có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác như hệ thần kinh, mắt, thận… và dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Các loại bệnh đái tháo đường thường gặp

Bệnh đái tháo đường được phân thành 4 loại chính

  • Đái tháo đường type 1: do phá hủy tế bào beta tụy dẫn đến người bệnh bị thiếu insulin tuyệt đối.
  • Đái tháo đường type 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin.
  • Đái tháo đường thai kỳ: là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường type 1, type 2 trước đó.
  • Đái tháo đường đặc biệt do các nguyên nhân khác, như đái tháo đường sơ sinh hoặc đái tháo đường do sử dụng thuốc và hoá chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

Triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường giai đoạn đầu rất khó xác định, thậm chí không có triệu chứng rõ ràng khiến người bệnh khó phát hiện bản thân mắc bệnh, đến khi có những biến chứng mới bắt đầu thăm khám và được điều trị.

Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 1

Đái tháo đường type 1 hay gặp ở lứa tuổi trẻ, thanh thiều niên, thường diễn tiến nhanh, có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần với các triệu chứng rầm rộ, điển hình gồm:

  • Sụt cân: Một số trường hợp người bệnh ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh chóng sau vài tuần do mất nước, do ly giải mô mỡ, mô cơ.

20210310 sut can nhanh 1

  • Thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều: Người bình thường trong vòng 24 giờ sẽ đi tiểu khoảng 4 – 7 lần, nhưng ở người bệnh tiểu đường type 1 sẽ đi tiểu nhiều lần hơn. Do ở cơ chế bình thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận, còn ở người bệnh tiểu đường, lượng glucose trong máu bị đẩy lên cao khiến thận không thể hấp thu tất cả trở lại. Vì vậy glucose sẽ được thải qua đường tiểu kéo theo thải nước, khiến cơ thể tạo nhiều nước tiểu, người bệnh đi tiểu thường xuyên hơn. Khi đi tiểu nhiều gây ra tình tình trạng mất nước, người bệnh sẽ rất khát do đó sẽ cần uống nước, nhưng chính vì vậy lại càng đi tiểu nhiều hơn.
Khát nước liên tục là một trong những triệu chứng của bệnh đái tháo đường
Khát nước liên tục là một trong những triệu chứng của bệnh đái tháo đường
  • Khô miệng, ngứa da: Người bệnh đi tiểu nhiều hơn khiến cơ thể bị mất nước, làm cho vùng miệng cảm thấy bị khô. Da khô có thể khiến người bệnh tiểu đường bị ngứa da.
  • Cảm thấy đói và mệt: Thông thường, cơ thể sẽ chuyển đổi thực phẩm ăn vào thành glucose để các tế bào lấy năng lượng. Các tế bào sẽ cần đến insulin để có thể hấp thụ glucose. Tuy nhiên, khi cơ thể không tạo ra đủ lượng insulin cần thiết, hoặc các tế bào của cơ thể kháng lại insulin được tạo ra sẽ khiến glucose không thể hấp thu và lấy năng lượng. Vì vậy sẽ khiến người bệnh cảm thấy đói và mệt mỏi hơn so với bình thường.

Triệu chứng của đái tháo đường tuýp 2

Đái tháo đường type 2 thường xuất hiện ở lứa tuổi trưởng thành và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Những người có thể trạng béo, thừa cân; tiền sử gia đình có người bệnh mắc bệnh đái tháo đường type 2; bệnh nhân có hội chứng buồng trứng đa nang là những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Các triệu chứng tiến triển âm thầm và phát triển trong nhiều năm, đa số người bệnh không gặp những triệu chứng rõ ràng như thể tiểu đường type 1 nên khó phát hiện. Bệnh có thể vô tình được phát hiện qua xét nghiệm glucose máu hoặc có những biến chứng như vết thương nhiễm trùng lâu lành.

Triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ

Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ thường không có triệu chứng rõ ràng. Sản phụ có thể sẽ khát nước hơn bình thường, đi tiểu nhiều lần hơn. Bệnh thường được chẩn đoán ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ nhờ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 3 mẫu lúc thai 24 – 28 tuần tuổi, trước đó chưa ghi nhận bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2.

Bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, do đó, người dân cần chủ động thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng đến 1 năm 1 lần để phát hiện bệnh sớm và can thiệp điều trị hiệu quả ngay từ giai đoạn đầu. Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị đúng phương pháp. Trong trường hợp đã mắc bệnh, cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nặng nề và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất.

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật