Điện quang can thiệp là gì

Bạn đã nghe nói đến Điện quang can thiệp? Trong chuyên mục hỏi đáp hôm nay chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của bác sĩ Trần Quang Lục – Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh để hiểu rõ hơn nữa về Điện quang can thiệp.

Người bệnh hỏi: Điện quang can thiệp là gì thưa bác sĩ?

Người bệnh hỏi: Điện quang can thiệp là gì thưa bác sĩ?

Điện quang can thiệp là gì

Chuyên gia trả lời: Điện quang can thiệp là kỹ thuật điều trị can thiệp xâm lấn tối thiểu trong nhiều bệnh lý khác nhau bao gồm các bệnh lý liên quan đến mạch máu và các bệnh lý ngoài mạch máu. Các kỹ thuật điện quang can thiệp được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính và đặc biệt là chụp mạch số hóa xóa nền (DSA).

Người bệnh hỏi: Kỹ thuật điện quang can thiệp có thể sử dụng trong các mặt bệnh như thế nào?

Chuyên gia trả lời: Kỹ thuật điện quang can thiệp được áp dụng đối với nhiều bệnh lý khác nhau, có thể nói một số bệnh lý phổi biến như sau:

+ Ung thư gan

+ Bệnh lý tắc mật do u

+ Bệnh lý chảy máu tiêu hóa do xơ gan (vỡ tĩnh mạch thực quản, dạ dày do xơ gan)

+ Nút mạch tiền phẫu các khối u

+ U xơ tử cung

+ U phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt)

+ Cầm máu trong chấn thương tạng (gan, lách, thận) hoặc cầm máu do bệnh lý (vỡ dị dạng mạch tạng, cầm máu do chảy máu sau đẻ …)

+ Dẫn lưu các ổ áp xe, ổ dịch trong ổ bụng và sau phúc mạc

Người bệnh hỏi: Khi sử dụng kỹ thuật này thì đem lại những lợi ích gì so với những kỹ thuật khác?

Chuyên gia trả lời: Kỹ thuật điện quang can thiệp đem lại những ưu điểm vượt trội so với các kỹ thuật khác:

+ Xâm lấn tối thiểu đến cơ thể người bệnh.

+ Giảm nguy cơ chảy máu cho người bệnh.

+ Thời gian nằm viện ngắn, người bệnh nhanh chóng phục hồi và sinh hoạt bình thường sau can thiệp.

+ Giảm biến chứng cho người bệnh.

Người bệnh hỏi: Kỹ thuật điện quang ngày càng phát triển, hiện nay tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã triển khai được những kỹ thuật can thiệp chủ yếu nào?

Chuyên gia trả lời: Hiện nay, tại Khoa chẩn đoán hình ảnh rất nhiều những kỹ thuật can thiệp đã được triển khai như: Can thiệp mạch tạng, nút mạch cầm máu các tạng do chấn thương, do bệnh lý, can thiệp qua da…

Người bệnh hỏi: Bác sĩ có thể chia sẻ một ca bệnh điển hình mà bác sĩ đã từng tiến hành can thiệp được không ạ?

Chuyên gia trả lời:

Ca bệnh điển hình mà tôi luôn ghi nhớ và tâm đắc, đó là: năm 2018, tôi tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân là cháu bé 11 tuổi, chẩn đoán ung thư gan trên nền viêm gan B mạn tính, khối u khá to kích thước ~ 7 – 8 cm. Bệnh nhi đã đi khám nhiều nơi, gia đình rất lo lắng và bi quan. Khi đến với chúng tôi, chúng tôi đã hội chẩn và đưa ra quyết định ban đầu là phẫu thuật cắt bỏ khối u và một phần gan. Tuy nhiên, khi đánh giá nhiều yếu tố khác nhau, chúng tôi thấy nếu phẫu thuật cắt gan ngay thì sẽ có nguy cơ rủi ro cao như tuổi quá nhỏ, u to gây khó khăn cho phẫu thuật, mất máu trong phẫu thuật … Sau đó chúng tôi quyết định nút mạch bằng hạt vi cầu tải hóa chất. Sau 2 lần nút mạch, khối u đã nhỏ lại ~ 2,5 cm và cơ bản đã hoại tử gần hết, còn phần nhỏ u hoạt động. Tiến hành đánh giá lại, khối u vẫn khu trú tại chỗ, không thấy di căn sang vị trí khác hoặc các tạng khác. Sau đó chúng tôi tư vấn gia đình cho phẫu thuật cắt gan và cắt u. Sau phẫu thuật, bệnh nhi tiến triển tốt, sức khỏe ổn định, tăng cân, đi học bình thường và đang được thăm khám định kỳ tại Bệnh viện.

BS Trần Quang Lục – Nguyễn Mai

 

BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH PHÚ THỌ

Facebook
Twitter

Có thể bạn quan tâm

Tải ứng dụng Hồ sơ sức khỏe

Kết nối với bác sĩ trực tuyến, xem hồ sơ sức khỏe trực tuyến

Đánh giá bài viết

5/5

Bài viết nổi bật